“Con cháu các cụ” thì chả cần phải học...

Việc đào tạo lại sinh viên còn có một phần nguyên nhân từ cơ chế tuyển dụng, sử dụng người tài. Nhiều khi người giỏi không chắc đã được nắm giữ vị trí quan trọng nhất. Vì thế, sinh viên cũng ỷ lại, tinh thần tự học, tự nghiên cứu kém, dẫn đến tỷ lệ phải đào tạo lại cao.

“Một người làm quan cả họ được nhờ”
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng
Là người nhiều năm trực tiếp giảng dạy và quản lý, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, sinh viên của ta đã quen lối học “đọc chép”.
Đó là cái yếu nhất, và cũng là hệ quả từ bậc học phổ thông. Giáo trình nặng nề nhưng lại vụn vặn, đến chính giáo viên cũng không thể nào dạy cho hết. Vì thế đó vẫn cứ là câu chuyện phải đổi mới toàn diện căn bản nền giáo dục. Sinh viên phải đào tạo lại một phần là do rất nhiều sinh viên không có phương pháp tự học, không quan tâm đến học hành. Cái này được lý giải bắt nguồn từ cơ chế xin - cho, cơ chế bổ nhiệm… Người có thực học chưa chắc đã có vị trí tốt trong xã hội.
Tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ”, “con vua thì lại làm vua”… ăn sâu trong nếp nghĩ. Sinh viên là “con cháu các cụ” thì nghĩ chả cần phải học, kiểu gì ra trường chẳng có việc. Sinh viên “dân đen” thì nghĩ, có học thì mình cũng chẳng thể nào bằng những đứa có ô có dù được. Vì thế mà ngay trong từ ý thức của mỗi người, nhiều em đã không tự xác định cho mình con đường đúng đắn.

“Có hàng ngàn lý do như sinh viên thụ động, chương trình học nặng về hàn lâm mà yếu về thực hành… Nhà trường không có điều kiện, không chú trọng đào tạo kỹ năng. Nhưng quan trọng nhất là nhận thức nói chung của sinh viên. Việc tự học, tự nghiên cứu còn quá kém mới dẫn tới tình trạng này”, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Doanh nghiệp thích “mỳ ăn liền”
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, trong khi nhà trường chỉ đào tạo kiến thức cơ bản thì doanh nghiệp lại cứ đòi hỏi phải có “mì ăn liền”, không mất công đào tạo lại mà vẫn có nhân lực làm việc tốt. Đó là một điều hết sức vô lý. Nhà trường chỉ đào tạo các kiến thức cơ bản, tạo nền tảng cho sinh viên tiếp thu các loại tri thức khác.
Trong khi đó thì thực tế thay đổi liên tục, nhà trường khó có thể cập nhật được. Vì thế doanh nghiệp phải đào tạo lại theo nhu cầu sử dụng lao động của mình. Doanh nghiệp không thể kêu ca để “ăn sẵn” được.
Cùng một công việc đó, một nghề đó, nhưng mỗi nơi, mỗi công ty lại có một tiêu chuẩn làm việc khác nhau. Đấy là chưa kể đến số sinh viên ra trường làm không đúng ngành nghề cũng không nhỏ. Quan trọng nếu sinh viên có nền tảng tốt thì việc đào tạo lại, tiếp thu, cập nhật những kiến thức mới đó cũng không quá khó khăn.
Hơn nữa, các doanh nghiệp hiện nay đa phần là doanh nghiệp ứng dụng. Không có doanh nghiệp nghiên cứu cơ bản. Thành ra để sinh viên ra trường làm được việc ngay, không cần phải đào tạo lại, thì chính các doanh nghiệp này cùng với nhà trường phải vào cuộc.
Nói về sự thay đổi của thực tế, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng nhà trường có đào tạo đến bao nhiêu đi nữa thì cũng chỉ đáp ứng được cái phần kiến thức cơ bản. Ở nhiều nước, các công ty họ trả lương để cho sinh viên về thực tập. Quá trình này diễn ra trong vài năm. Song song với học tại nhà trường thì các em vẫn làm việc. Vì thế khi ra trường là các em có thể làm việc ngay.

Bee.net.vn