GS Hoàng Tụy |
Cách đây hơn 10 năm, trong một hội thảo về đặc trưng văn hóa dân tộc ở TP. HCM tôi có nhấn mạnh yếu kém của người Việt về đầu óc tưởng tượng. Nói cho chính xác, trí tưởng tượng của người Việt không thuộc loại xuất sắc trên thế giới. Nhận xét đó có thể chạm tự ái dân tộc của nhiều người, nhưng tôi nghĩ đó là thực tế chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận.
Điều này thật ra cũng chẳng có gì lạ đối với một dân tộc bị đô hộ hàng nghìn năm, triền miên phải chống nhiều kẻ thù xâm lược lớn hơn, mạnh hơn gấp bội. Tất nhiên trí tưởng tượng của dân tộc chỉ có thể phát huy mạnh mẽ trong chiến tranh giữ nước. Nhưng cũng chính vì thế trí tưởng tượng của người Việt bị hạn chế trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống bình thường.
Chẳng hạn, trong kiến trúc truyền thống, ta không có công trình nào tầm cỡ như Angkor Wat của người Khmer. Trong kho tàng văn học, những tác phẩm hay nhất của ta cũng lấy cốt truyện dựa theo Tàu. Ta ít có những pho truyện lớn, với nhiều tình tiết phức tạp hay ý tưởng kỳ lạ độc đáo, lôi cuốn người đọc vào những thế giới tưởng tượng nửa thực nửa hư như ở nhiều nền văn học lớn khác trên thế giới.
Hoàn cảnh lịch sử cũng đã giam hãm ông bà ta quá lâu trong lối học từ chương khoa cử, nên tư duy bị gò bó. Chúng ta thiếu những nhà tư tưởng lớn, những triết gia tầm cỡ nhân loại. Tóm lại, gia tài để lại về trí tưởng tượng sáng tạo của chúng ta phải nói là khiêm tốn.
Trong thời đại kinh tế tri thức, đây là một nhược điểm mà nếu không cố gắng khắc phục nhanh, ta sẽ luôn ở thế yếu trong sự cạnh tranh với thế giới. Einstein từng nói một câu nổi tiếng: "Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức." Mới nghe tưởng như một nghịch lý nhưng thật ra là chân lý rất sâu sắc.
Ý nghĩa thời sự của chân lý đó là: Học để hiểu, để nhớ, để mở mang kiến thức là rất cần thiết, nhưng chỉ đủ để làm theo, đi theo, chứ hoàn toàn chưa đủ để khám phá, sáng tạo; mà người ta không thể khám phá, sáng tạo với một trí tưởng tượng nghèo nàn.
Trích GS Hoàng Tụy: Lực cản sự phát triển của người Việt