Những ngôi trường ở Đalat trước 1975


      Ngày 1.3.1920, ngôi trường đầu tiên của Đà Lạt được thành lập, đó là một ngôi trường Pháp mang tên École Francaise. Lúc đầu, trường chỉ có hai lớp: lớp mẫu giáo lớn (douzième) và lớp 1 (cours enfantin). Trường phát triển dần, đến năm 1930 có các lớp 1 (enfantin), 2 (préparatoire), 3 (élémentaire), lớp dạy đàn piano, tiếng Anh (Anglais), lớp dạy đánh máy chữ (dactylographie). Sau đó trường đổi tên thành trường Nazareth (trường Thăng Long ngày nay).
Trường Couvent des Oiseaux
      Cùng với thời gian này, cụ Bùi Thúc Bàng mở trường đầu tiên cho con em người Việt Nam. Trường chỉ là một ngôi nhà gỗ với ba phòng học đơn sơ ở phía sau Cinéma Eden (nay là rạp chiếu bóng Ngọc Lan). Đến năm 1930, trường tiểu học bổ túc Đà Lạt (École Primaire complémentaire de Dalat), tiền thân của trường Đoàn Thị Điểm ngày nay, được thành lập, toàn bộ học sinh của ba lớp học đầu tiên nói trên được chuyển vào trường này.

      Khi cư dân Đà Lạt tăng lên, nhất là người Âu, binh lính, quan chức người Việt đến làm việc, chính quyền Pháp đã cho mở thêm hai trường công lập : Petit Lycée, Grand Lycée.

      Năm 1935, Trường Couvent des Oiseaux được khai giảng, lúc đầu là vườn trẻ mẫu giáo, sau đó phát triển lên thành bậc tiểu học và trung học. Trường còn có tên là Notre Dame du Langbian. Từ năm 1939, Trường thiếu sinh quân Đà Lạt (École D'enfants de troupe de Dalat) được thành lập.

      Năm 1944, để tránh hiểm họa chiến tranh, người Pháp đã cho chuyển Trường kiến trúc Hà Nội vào Đà Lạt, được vài tháng thì ngưng hoạt động vì các biến cố lúc bấy giờ. Đến tháng 2.1947, trường được mở lại. Năm 1948, trường đã trở thành một trường kiến trúc địa phương tại Đà Lạt và trực thuộc Trường quốc gia cao đẳng mỹ thuật Paris (É'cole nationale supérieure des beaux arts de Paris). Năm 1950, trường được chuyển về Sài Gòn.

      Trong thời gian này, một bộ phận của Trường Viễn Đông Bác Cổ cũng được dời từ Hà Nội vào Đà Lạt.

      Vào những năm đầu thập niên 1940 và những năm đầu thập niên 1950, nhiều trường công lập, tư thục ra đời như các trường : Tuệ Quang, Trần Quốc Toản, Lê Thánh Tôn, Tinh Hoa, trường dành cho học sinh người Thượng (Ecole des montagnards du Langbian), trường Tân Sanh dành cho con em người Hoa (nay là trường Đoàn Kết) và hai trường trung học công lập đầu tiên của thành phố dạy theo chương trình Việt là trường Bảo Long và trường Trung học Việt Nam 

      Sau năm 1954, một số lượng lớn người ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến Đà Lạt lập nghiệp, số trường lớp được mở ra ngày càng nhiều hơn, từ vườn trẻ - mẫu giáo, tiểu học đến đại học, công lập cũng như tư thục với nhiều loại ngành nghề đào tạo:

      Về hành chính, nhằm mục đích đào tạo cấp tốc đội ngũ công chức hành chính cao cấp thay thế dần viên chức hành chính người Pháp, Trường quốc gia hành chính được thành lập năm 1952 tại Đà Lạt với cách thức mô phỏng theo Trường quốc gia hành chính ở Pháp.

      Về quân sự, có Trường võ bị quốc gia Đà Lạt (1959), Trường đại học chiến tranh chính trị (1966), Trường chỉ huy và tham mưu (1967).

      Về dạy nghề có các trường: Kỹ thuật La san, Franciscaine, Trường nông lâm súc ở Đa Thiện.

      Trường tư do các tổ chức tôn giáo quản lý có các trường: Bồ Đề, Trí Đức, Thụ Nhân, Couvent des Oiseaux, Adran, Thiên Hương, Minh Đức, Trinh Vương, Vinh Sơn, Thánh Phao Lồ, Viện đại học Đà Lạt. Các trường tư thục tư nhân gồm có các trường Hiếu Học, Việt Anh, Văn Học, Văn Khoa. Về thần học có Giáo hoàng học viện Pio X, hàng chục tu viện của các dòng tu.

      Vào những năm đầu thập niên 1970 có thêm Trung tâm giáo dục Hùng Vương, trường bán công Quang Trung, trường Bình Dân và một hệ thống các trường tiểu học cộng đồng.

      Bên cạnh đó còn có Trung tâm Hội Việt - Mỹ, Trung tâm văn hóa Pháp chuyên dạy về ngoại ngữ Anh, Pháp văn.