Thầy Nguyễn Văn Năm

Đôi dòng kỷ niệm về cha A-Lê-Xù Nguyễn Chỉnh Tề (Alexis Trépanier)

-Nhớ Thầy Uyên.
-Trung học Tư Thục Minh Đức Đalat


Mùa hè năm 1958, tôi được Dì Út thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đưa lên Sài Gòn để thi vào Đệ Tử Viện Dòng Chúa Cứu Thế. Dì Út nói với tôi rất nhiều về nhà Dòng: Các cha, các thầy, những kỳ Đại Phước, những phép lạ trừ quỉ, và rất nhiều sân đá banh trong Đệ Tử Viện. Hình ảnh cha Trần Tử Nhãn cưỡi ngựa đi giảng đạo hấp dẫn tâm hồn tôi rất nhiều. Tôi nghĩ chắc ngài trừ được rất nhiều quỉ. Nhưng phải thú thật là hình ảnh các sân banh cũng lôi cuốn tôi không ít. Lý do rất đơn giản: Tôi rất mê đá banh. Sau một đêm ngủ nhờ trong nhà khách của Dòng Mến Thánh Giá, Dì Út dẫn tôi và Huỳnh Huy Hoàng (người bạn cùng sống trong đồn điền cao su Ông Quế) ra bến đò Thủ Thiêm. Chúng tôi đi phà qua sông, rồi đi xích lô máy đến Dòng Chúa Cứu Thế, số 38 đường Kỳ Đồng, Sài Gòn.

Có một số khá đông các bạn cỡ tuổi chúng tôi cũng đến thi. Chúng tôi không có thì giờ nói chuyện vì chúng tôi được đưa vào phòng để thi liền. Kỳ thi gồm ba môn: Luận văn, toán và Pháp văn. Hôm ấy, cha Giuse Nguyễn Thanh Khâm đặc trách phòng thi. Tướng cha tròn trịa, miệng lúc nào cũng mỉm cười nên chúng tôi cảm thấy an tâm, thoải mái. Sau khi làm xong bài luận và bài toán, tôi được cha Khâm cho biết là tôi đã đậu, và không cần phải thi môn Pháp Văn. Tôi mừng hết lớn, vì nếu phải thi Pháp Văn thì chắc chắn tôi sẽ ăn một quả trứng to tổ bố. Lúc bấy giờ tôi đã học xong lớp đệ lục và đã chọn sinh ngữ Anh được hai năm. Huỳnh Huy Hoàng cũng đậu. Dì Út hớn hở, vui cười và rất hãnh diện về hai cậu học trò từ đồn điền cao su ra. Chúng tôi được Dì Út cho đi chơi lòng vòng Sài Gòn rồi hôm sau, ba thầy trò đi về Long Khánh (lúc đó chỉ mới được gọi là quận Xuân Lộc)

Sau ít tháng nghỉ ngơi, mẹ Huỳnh Huy Hoàng và mẹ tôi đưa chúng tôi ra Vũng Tàu (Lúc bấy giờ còn được gọi là Cap Saint Jacques) Đây không phải là lần đầu tôi đi học xa nhà, nhưng sau khi mẹ tôi và cô Hai, mẹ của Hoàng ra về, tôi cũng buồn nhớ nhà đến gần nửa tháng. Nhưng rồi thời khóa biểu bận rộn hàng ngày, những người bạn cùng trang lứa và nhất là những trận đá banh giúp tôi thích ứng với cuộc sống mới hơn.
Ngoài cha mẹ tôi, có ba nhân vật ảnh hưởng đến cuộc đời của tôi, không phải chỉ bắt đầu từ lúc này mà ngay cả đến bây giờ, khi tôi đã vào tuổi  “thất thập cổ lai hi”. Đó là các cha Alexis Trépanier, Cha Giuse Nguyễn Thanh Khâm và cha Louis Nguyễn văn Qui. Lẽ dĩ nhiên, trong 10 năm làm đệ tử, tôi còn ngưỡng mộ nhiều vị khác nữa: Cha Gagné, cha Boucher, cha Gioan Nguyễn Đức Thống, cha giáo của lớp tôi, Cha Phê-Rô Đặng Văn Đào với câu danh ngôn “đầu cao mắt sáng”. Anh Hai Phao-Lô Nguyễn Thọ đang ở Châu Ổ, Quảng Ngãi và còn rất nhiều, rất nhiều…..

Vì tôi vào ngang, nên tôi phải vào lớp 7, và theo học Pháp Văn với cô Huệ. Cô Huệ rất giỏi lại hiền lành, nên chúng tôi học rất nhanh. Cô Huệ còn có ngón đàn Piano rất độc đáo. Cô đã đệm cho ca đoàn đệ tử hát nhiều lần. Ngoài cô Huệ ra, tôi còn được ba sư huynh lớp trên kèm cặp thêm môn Pháp văn. Đó là các sư huynh Thomas Hùng, Francois Cầu và Michel Thư. Ba vị này thay phiên nhau đứng đầu lớp. Cha Hùng đang phục vụ ở Cái Mơn, Bến Tre. Francois Cầu đi hải quân và đã hy sinh vì đất nước. còn Michel Thư thì không biết lưu lạc ở đâu. Khi lên lớp 6, tôi được học Pháp Văn với cha Trépanier. Suốt thời gian này, tôi có dịp hiểu ngài hơn và học từ con người của ngài những bài học vô cùng quí giá về việc phục vụ tha nhân, về cách tổ chức công việc cho ngăn nắp trong cuộc sống hằng ngày.


***

Dạy về sự trật tự, gọn ghẽ, ngăn nắp 
Trong những năm cha Trépanier dạy chúng tôi môn Pháp Văn thì mỗi ngày chúng tôi phải viết chính tả (dictée francaise). Ngay sau bài chính tả, cha bắt mọi người ngồi yên. Cha đi đến từng hộc bàn (pupitre) của mỗi người, bảo mỗi người mở nắp học bàn ra. Hộc bàn nào gọn ghẽ, ngăn nắp, cha cho thêm một điểm. Hộc bàn nào bừa bãi, cha trừ một điểm. “Chiến dịch này cứ kéo dài từ năm này sang năm nọ, cho đến khi cha được bài sai đi nhận công tác khác, thì hầu hết anh em chúng tôi đã thấm nhuần được sự trật tự, gọn gàng.
Hơn ba trăm thanh thiếu niên sống chung dưới một mái nhà, thế mà chỗ nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Từ nhà nguyện cho tới nhà ngủ, hơn ba trăm tủ đựng quần áo không cần khóa, lúc nào quần áo cũng xếp thứ tự.
Trong lớp học, phòng chơi, thậm chí cả dẫy nhà vệ sinh cũng ngăn nắp, đâu vào đó.

Từ cách sắp xếp ngăn học, chúng tôi sắp xếp thời khóa biểu làm việc hàng ngày, hằng tháng, và chuẩn bị chương trình cho tất cả mọi tổ chức đâu ra đó, từ việc tổ chức một buổi thánh ca, một chương trình văn nghệ, một buổi họp trại, một buổi thuyết trình, tất cả đều dựa theo sự “ngăn nắp” do cha Trépanier dạy bảo. 
Ngày nay, đã vào tuổi 70, tôi vẫn còn giữ câu châm ngôn trong nhà để xe: "Sự trật tự giúp cho ta đỡ tốn thì giờ, tránh cho ta khỏi cáu kỉnh vô cớ, la vợ, hét con, đạp chó đá mèo…" Hy vọng là tôi không thái quá.

Dạy về lòng yêu người 
Khi cha Trépanier làm Giám Đốc và dậy lớp Savio chúng tôi, ngài luôn nhắc nhở chúng tôi những câu mà tôi ghi khắc trong lòng cho tới hôm nay và có lẽ tôi sẽ còn giữ mãi cho tới khi tôi đi chầu Chúa. Đó là các câu: “các con phải biết nghĩ tới người khác” (Il faut penser aux autres) và “không nên từ chối giúp đỡ người khác” (Ce n’est pas gentil de répondre non)
Trong những năm ở nhà đệ tử Vũng Tàu cũng như ở Chợ Lớn, tôi thấy anh em chúng tôi đều thể hiện được tinh thần này. Từ việc để dành phần ăn hậu hĩnh cho những anh em vì có công việc phải về ăn trễ, hay việc mắc màn cho các anh em đi tập kịch hay đi tập hát về trễ. Những chuyện vô cùng nhỏ bé nhưng đã tập cho chúng tôi một tinh thần bác ái đặc biệt.
Có anh em nào cùng lớp ốm đau, chúng tôi đi thăm viếng, giặt dũ quần áo cho người bệnh cho tới khi anh bình phục. Tới đây, tôi cũng phải nhớ tới cha Boucher và thầy Andrian. Phải gọi đây là những thiên thần bản mệnh của anh em đệ tử chúng tôi. Ngay cả trong những kỳ hè, chúng tôi cũng liên lạc thư từ, thăm viếng nhau đợi cho tới khi năm học mới bắt đầu để được gặp lại.
Và ngày hôm nay, sau gần 60 năm, tình anh em chúng tôi vẫn bền chặt, dù mỗi người một phương trời, xa cách nhau đến hơn nửa vòng địa cầu.
Khi đã rời mái nhà đệ tử, tôi vẫn mang tình thần yêu người, phục vụ tha nhân, mang bài học của cha Trépanier đi khắp nơi: từ khi là sinh viên ở Viện Đại Học Đà Lạt, tôi đã làm chủ tịch liên đoàn sinh viên công giáo 2 khóa, và đã đem tinh thần cha Trépanier ra phục vụ anh chị em sinh viên trong viện.
Qua Mỹ, tôi đã làm chủ tịch cộng đồng Covington, Kentucky, và lại đem tinh thần cha Trépanier phục vụ anh chị em tỵ nạn trong 5, 6 năm trời tại đây.
Sau này, khi xuống cư ngụ tại Houston, tôi đã gia nhập đoàn Văn Nghệ và Công Tác Xã Hội Lạc Việt, và đã làm việc tại sở y tế quận Harris, tôi cũng lại đem tinh thần cha Trépanier ra phục vụ đồng hương. Có những lúc tôi cũng xất bất, xang bang vì tuân theo lời dậy của cha. Quá nhiều người nhờ vả, và tôi không bao giờ làm hết việc của người. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng có Chúa và có cha Alexis Trépanier phù trợ, tôi sẽ hoàn thành công việc……

Dạy yêu Quê Hương Việt nam 

Nói về lòng yêu đất nước Việt Nam của cha Trépanier, tôi nghĩ là chỉ cần lướt nhanh về tiểu sử của ngài cũng đủ chứng minh những việc làm vì danh Chúa và ơn gọi của nhà Dòng.
Ngài sinh năm 1912 tại Canada, khấn Dòng năm 1935. Năm 1936 ngài được tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Canada cử đi làm thừa sai ở Việt Nam.
Ngài đã hoàn tất chương trình Học Viện tại Hà Nội và được truyền chức linh mục ngày 6 tháng 6 năm 1940.
Trong suốt 38 năm sống tại Việt Nam, ngoài việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, cha Trépanier đã dành rất nhiều công sức và tài chánh giúp đỡ người Việt Nam, đặc biệt là trong lãnh vực xã hội và giáo dục.
Tất cả anh em đệ tử đã sống ở Vũng Tàu trong thời gian cha Trépanier còn làm giám đốc đều nhớ. Mỗi sáng Chúa Nhật, sau thánh lễ, chúng ta đều tụ tập ở sân cờ, trước hội trường  để chào cờ, hát Quốc Ca: Này công dân ơi…., hát Đệ Tử Ca: Ớ Đệ Tử, nghe tiếng Cha tha thiết gọi con…….và nghe một ông Canada ban huấn từ, nói về lòng yêu Chúa và Yêu Quê Hương….
Không thể nào không cảm động khi nghe cha Trépanier phát biểu với một giọng oai nghiêm:
“ Đứng trước lá quốc kỳ, chúng ta phải biết tỏ lòng yêu Quê Hương bằng cách chăm chỉ học hành.”
Những lời nói năm xưa đã gần 60 năm, nay vẫn còn vang âm trong tâm trí người đệ tử già này.
Vâng, phải có lòng yêu Quê Hương Việt Nam lắm mới có thể hăng hái xây dựng cho đất nước một thế hệ trẻ, trí thức trong vòng 38 năm trời.
Năm 1963, khi đã xong nhiệm vụ làm giám đốc đệ tử, cha Trépanier lên Đà Lạt, xây một trường trung học cho các thanh thiếu niên thuộc vùng Đa Thành và Đa Phú, tọa lạc trên cây số 6, trên đường đi Suối Vàng.



Năm 1966, trường đã thu hút trên 700 học sinh đến từ những khu vực gần như Thánh Mẫu, Tùng Lâm, Đa Phú, Đa Thiện, Lạc Dương, và những học sinh từ xa như Cam Ranh, Nha trang, Sài Gòn và cả từ Mỹ Tho, Bặc Liêu, Cà Mâu…
Ngoài việc xây trường trung học Minh Đức, cha còn vận động với những người Canada, nhất là với ông Pierre Trudeau, lúc bấy giờ đang làm thủ tướng Canada giúp cha trong những công tác giúp đỡ đồng bào Việt Nam trong vùng Tùng Lâm và Đa Thành. Nhờ vào sự giúp đỡ của những vị này, cha đã xây được một khu chợ và thiết lập một hệ thống nước cho hai vùng nói trên.
Năm 1974 cha Trépanier rất đau lòng rời Việt Nam trở về Canada. Dù ở bên kia bờ địa cầu, cha Trépanier vẫn luôn tìm cách liên lạc với các bạn cũ trong Dòng và vận động giúp đỡ Việt Nam. Cha sưu tầm từng bộ tem, bán đi lấy tiền, gửi cho cha Khâm. Cha đi tìm ân nhân giúp đỡ nhà Dòng Việt Nam, giúp đỡ các học sinh nghèo có tiền đi học.
Sau năm 1975, tôi có nhiều dịp đi thăm ngài tại Sainte Anne de Beaupré.
Anh Chương, anh Bạch và cá nhân chúng tôi cũng vận động mời cha sang Houston thăm lại các anh em cựu đệ tử tại thành phố này. Ngài đã nhận lời, nhưng gần đến ngày đi thì ngài bị tai nạn xe cộ nên chuyến đi bất thành.
Lần tôi đưa nhà tôi lên gặp cha và xin cha ban phép lành cho cháu bé còn trong bụng mẹ. Cha rất vui, khỏe và vẫn mong có dịp trở lại Việt Nam.
Chúng tôi mời cha đi ăn trưa tại một quán Việt Nam gần nhà Dòng. Trong lúc ăn nhà tôi thấy áo cha có vết rách ngay trước ngực nên chỉ cho cha và nói:
- Áo của cha bị rách kìa
Cha cười vui trả lời:
- Không phải rách đâu con. Đó là vì lửa trong tim mong về Việt Nam bốc cháy đó.
Nhà tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động vì câu nói của cha.
Nhà tôi và rất nhiều người Việt Nam khác sẽ không thể nào có thể tưởng tượng được một người mũi lõ, da trắng, mắt xanh lại phát biểu một câu về một miền đất xa xôi, thân yêu của họ như vậy.


***
Thầy Nguyễn Văn Năm
Hè năm 2014, nhân đi họp Cựu Sinh Viên Đà Lạt tại Montreal, tôi đã thuê xe lên Sainte Anne de Beaupré thăm lại nhà Dòng Mẹ, và các cha. Cha Jacques Huberdeau là cha giáo duy nhất còn sống. Nhưng ngài cũng rất yếu và phải ngồi xe lăn. Tôi thong thả tìm ra nghĩa trang của nhà dòng.
Mộ của tất cả các cha, các thầy thừa sai đều nằm cả ở đây. Tôi đến trước mộ của cha Alexis Trépanier, quỳ xuống và cầu nguyện.
Xin Chúa thương linh hồn A- Lê- Xù.
Tôi cũng xin linh hồn A Lê Xù cầu nguyện cho đất nước Việt Nam,
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và các anh em cựu đệ tử của cha.
 

Houston ngày 15 tháng 5 năm 2015
Nguyễn văn Năm
  

-Nhớ Thầy Uyên.
-Trung học Tư Thục Minh Đức Đalat