Khánh Ly nói về Đalat


Đó là năm 1964, tôi và các con đang ở thành phố Đalat. Tôi vừa 18 tuổi, hai con, một gái, một trai. Ba mẹ con sống với nhau hồn nhiên như cây cỏ trong ngôi nhà hai từng rộng lớn vắng người, trên một ngôi đồi mà người ở đó gọi là đồi Miên – tên ông nội hai đứa nhỏ. Nhà không cổng ngõ, không hàng rào, đồi rộng thênh thang, từ hông nhà ngó xuống, là một thung lũng nhỏ xanh rì, nhìn mông ra xa thấp thoáng đâu đó mầu đỏ của ngói bên cạnh những vườn trồng rau quả xanh ngắt, tiệp với màu của lá cỏ. Nổi lên trên màu xanh mượt mà như tấm áo dạ hội bằng nhung, tôi có thể biết được đó là những vườn hoa.

Thuở đó, Đalat đẹp lắm. Người ta bảo Đalat đẹp bởi có 4 mùa giống như Hà Nội nên con gái Đalat tuy ít người xuất sắc nhưng ai nấy đều xinh xắn với nước da trắng hồng, mái tóc đen dày óng mượt. Tất cả đều vô tư, hồn nhiên và hiền lành. Các bà bán hàng trong chợ, dù là bán mắm cá, cũng mặc áo dài, bán đậu hủ rong cũng áo dài, bán ngô nướng lúc nửa khuya, bán mì Quảng, xôi gà cũng áo dài, hai má cứ ửng hồng lên bên cạnh bếp lửa.

Đalat có 4 mùa nhưng mùa nào cũng mát vào ban ngày, lạnh về đêm, chính thế, người ta mới thú vị khi cầm cái ngô nướng thoa mỡ hành còn nóng hổi, người ta mới cảm thấy cái nhẹ nhõm khi bước ra từ những phòng tắm nước nóng, xê xế rạp ciné Ngọc Hiệp. Bước qua bên kia đường, người ta có thể ghé vào tiệm cháo vịt, tiết canh vịt, gỏi vịt và ngay bên hông tiệm thịt vịt, cái quán mì Quảng nhỏ xíu, mái che là một vài tấm ván ép ghép với 4 cái ghế. Hai vợ chồng người bán mì Quảng tay thoăn thoắt đơm bún, chan nước hay dọn dẹp cái mặt bàn cũng chỉ là một tấm gỗ dài. Người bán vui cười nhìn khách xuýt xoa ăn trong cái nóng của bún, cái lạnh của con phố về khuya, vắng người.

Điều chắc chắn phải nói là người Đalat hiền. Hiền như nước mưa, nước suối. Hiền như cây trái tốt tươi. Hiền như hoa như gió. Như tiếng chuông reo bốn mùa. Hiền như bãi xe lam dăm ba chiếc im lìm nơi bến đậu. Hiền như những cơn mưa bất ngờ bay nghiêng qua thành phố, không hề làm rối chân khách bộ hành. Những con đường vắng lặng. Những ngôi biệt thự nằm xa nhau, không tường bao bộc, chỉ có hoa và hoa dưới những cây thông rải rác, tưởng như mọc vô tình không người săn sóc. Ấy thế mà trong cái vô tình gần như hoang dã ấy, luôn có những lúc rộ lên tiếng cười rộn ràng ngây thơ. Đời sống đẹp và đáng sống biết bao nhiêu.

Trước đó 2 năm, nói chính xác là vào tháng 11 năm 1962, khi tôi lên Đalat tìm sống, cùng đi trên chuyến xe đò Minh Trung với tôi, là chị Ngân Hà, một ca sĩ đẹp và được biết đến, không hiểu vì sao chị bỏ Sài Gòn ra đi. Lúc đó, người ta chưa nói đến chiến tranh. Sài Gòn đất rộng, người ít. Đời sống dễ dàng, người dân miền Nam chơn chất như ngọn lúa đồng bằng, cá tôm sông lạch, con đường Tự Do, sáng, trưa, chiều, tối chỉ khoảng trên một chục khách bộ hành, xích lô vài chiếc thông thả đạp như thi sĩ thơ thẩn tìm nàng thơ. Taxi cũng thỉnh thoảng ghé qua đỗ người xuống. Hình như Sài Gòn rất bằng lòng với nhịp sống thong thả, nhàn hạ. Thói quen của miền Nam trù phú đụng đâu cũng có cái ăn.

Tôi nhận lời lên hát cho Night Club ở Đalat với giá 2500 đồng một tháng, có cơm hai bữa và ngủ chung với các chị ở vũ trường, nếu không muốn về nhà. Kể ra thì không nhiều nhưng cũng chẳng hẹp gì lúc đó, lương Trung Úy cũng chỉ được như thế thôi. Ông bà nội của hai đứa nhỏ ở đó, tôi có cả nguyên một từng dưới rộng thênh thang. Hình như đây là kiểu nhà sàn lúc khởi thủy cất lên, nhưng rồi sẵn cột, xây thêm thành nhà hai tầng, chưa kể chung quanh đất trống, không trồng trọt gì ngoài mấy cây ổi, mấy giàn xu. Bên nội dường như chẳng ai để ý gì đến mấy mẹ con tôi ngoài chị Lê Quyên. Vài tháng sau, tiền lương được tăng, tôi tìm một người giữ con và ngày ngày nhảy xe lam, xe đò ra chợ Đalat.

Từ ngày di cư vào Nam, dẫu mới có 10 tuổi, tôi phải trông em, giặt quần áo, đi chợ rồi mới đi học. Mấy anh chị em chúng tôi sàn sàn tuổi nhau nhưng lại chẳng bao giờ có thì giờ hay có chuyện gì để chia sẻ với nhau. Nói tóm lại, tuổi thơ của tôi hoàn toàn mờ nhạt, không có gì đáng ghi nhớ trong sinh hoạt gia đình, ngoại trừ ông bố đêm nào cũng say rượu và bà mẹ hết ca cẩm chồng đến mắng chửi con. Đalat chính là khoảng trời tôi mơ ước, tưởng chừng như cuộc sống ngừng lại ở đó… Nhưng không. Cuộc đời tôi bắt đầu. Từ đó, ở đó.

Vũ trường Night Club dọn ra hôtel Du Parc, cạnh Nhà Thờ Chánh Toà, Bưu điện và đài phát thanh Đalat. Bà chủ vũ trường là một người Việt Hoa, có một đứa con lai không biết lai gì, khoảng 6, 7 tuổi. Bà mướn một căn phòng ngay bên kia đường cho các chị vũ nữ ở, có người nấu cơm. Tôi thường ngủ lại đây vì khuya chẳng có ai đưa tôi về tận Chi Lăng. Trong căn nhà nhỏ này, tuyệt không có bóng dáng một người đàn ông, thế nên tôi thích ngủ lại để sáng hôm sau đi chợ rồi mới về nhà, mang đồ ăn, bánh kẹo và chơi với con rồi chiều tối, lại đi xe lam đến Vũ Trường. Căn phố đó nằm cạnh quán café Myosotis, không biết bây giờ có còn không.

Night Club là Vũ Trường duy nhất ở Đalat. Với khí hậu lành lạnh về đêm là nơi giải trí lý tưởng của thành phố du lịch, vậy mà khách khứa cũng không có bao nhiêu. Lính Mỹ, cấp cố vấn, mới được vào thị xã chơi chứ những cậu học trò vừa mới hết Trung Học, rời gia đình đến một đất nước xa lạ, nên có vẻ sợ sệt. Người của thành phố, muốn đi, sợ gặp người quen, khó chối tội với vợ, thế nên ban nhạc đêm đêm cứ chơi những bản nhạc trữ tình, chúng tôi vẫn hát, các chị ngồi uống nước tán gẫu hoặc nhảy với nhau. Mỗi đêm vài ba bàn khách. Mọi người bình thản nhìn nhau, chờ ngày cuối tuần. Có những đêm Vũ Trường gần đóng cửa, một băng Không Quân áo bay đen khăn quàng cổ màu tím hoa cà, bất ngờ xuất hiện đứng thành một hàng dài nơi cửa. Nhà hàng không chạy lại đón khách. Chúng tôi không ai ngạc nhiên. Chuyện này xảy ra thường. Tôi lặng lẽ lên sân khấu, ban nhạc hiểu ý chơi bài “Gửi gió cho mây ngàn bay”. Tôi hát xong, những chiếc khăn quàng màu tím hoa cà lặng lẽ quay ra, đi vào đêm tối, nơi các anh từ đó bước ra. Không bao giờ hỏi nhưng tôi biết một phi vụ vừa hoàn tất.

Những đêm trời lạnh, mưa rất nhẹ, không gì thú vị hơn ngồi hát hay nghe một tình khúc Tiền Chiến. Những người lính Mỹ non trẻ kia đang miệt mài bước nhảy, cố quên đi nỗi buồn xa nhà, nỗi lo sợ súng đạn trên mảnh đất mà họ không bao giờ hiểu được vì sao họ đến đây. Họ lại càng không hiểu ý nghĩa của khúc hát kia. Chỉ biết trong đêm lạnh, khúc hát buồn, tiếng hát còn non trẻ với những ước mơ chưa thành hình và nỗi lòng khắc khoải của kẻ xa nhà quấn quít lấy nhau ấm áp chia sẻ đến không ngờ. Nhiều năm sau, nếu những người lính ấy còn sống mà trở về, chắc chẳng bao giờ họ nghĩ đến cái vũ trường xưa, nơi thành phố có những cơn mưa bất ngờ nghiêng nghiêng bay trên con phố vắng người vào những đêm gió lạnh. Cũng có thể họ đã không bao giờ trở về để mà nhớ.

Tôi không sống với gia đình nhiều. Tôi không có bạn gái. Bạn của anh tôi cũng là bạn của tôi. Chúng tôi gọi nhau bằng …chú và xưng tôi, không có anh em gì cả. Có lẽ thế, tính tôi không hề có chút dịu dàng nào cho đến khi có con và chỉ dành cho con. Có lẽ thế, tôi dễ sống chung với các chị vũ nữ mà tôi thật sự quý mến như một gia đình. Các tay …anh hùng hảo hán ở Sàigòn, Đalat hình như cũng rất quý tôi, đứa em gái lạc loài, lờ khờ trong thế giới muôn mặt về đêm. Chẳng ai hỏi tôi từ đâu đến, con cái nhà ai. Tôi cũng không tò mò về cuộc sống của các chị vũ nữ.

Thời bấy giờ, giới vũ nữ là giới làm rất nhiều tiền và rất nhiều người có học. Họ chỉ trở thành vũ nữ để giúp gia đình trong khoảng thì giờ rỗi rảnh. Công việc của các chị ấy là nhảy với khách hàng, những người đi Vũ Trường một mình, những người mới biết khiêu vũ. Thời 60, khiêu vũ là một nghệ thuật. Mọi người nhẩy lấy đẹp, nhẩy biểu diễn. Khiêu vũ là một nghệ thuật, không hề có ý đen tối, lợi dụng. Khách đến Vũ Trường và vũ nữ đối xử với nhau lịch sự. Có những chị nổi tiếng chỉ vì nhẩy giỏi, nhẩy đẹp. Các chị không đi đêm với khách, tôi biết vì tôi ở cùng các chị một nhà.

Vũ Trường đóng cửa, ai muốn đi ăn đêm thì thường chạy tới tiệm xôi gà trước mặt khách sạn Thủy Tiên, sau lưng tiệm bánh mỳ Xương Ký đầu con dốc Hàm Nghi. Chủ quán là cặp vợ chồng trẻ, con ông bà Bắc Hương cơm tám, giò chả nằm gần café Tùng – ông bà chủ quán xôi này hiện đang ở Porland, Oregon – nhiều đêm, vừa thấy mặt tôi, cô vợ da trắng, má hồng cười như hoa nở, hét toáng lên… Đùi Khánh Ly… Phao câu Khánh Ly… câu rao ngắn gọn làm ai cũng quay lại nhìn tôi cười. Và tôi không hề cảm thấy ngượng ngùng, sà ngay vào hàng cầm chiếc đùi gà, miếng phao câu béo ngậy, đĩa xôi trắng dẽo thơm phức mỡ hành. Ở một thành phố nhỏ như Đalat, ai cũng biết mặt nhau.

Cùng đi ăn với chúng tôi là một số các …anh hùng có tên tuổi. Những cái tên ngộ nghĩnh đôi khi do thành tích mà có. Các bạn ấy còn trẻ, có người trạc tuổi tôi, có người lớn hơn nhưng ai cũng làm mặt nghiêm, lạnh lùng ít nói. Họ làm ra vậy giữa chốn đông người, thật ra, họ dễ thương, sống có tình nghĩa. Họ có bổn phận bảo vệ nhà hàng, các chị vũ nữ, ca nhạc sĩ. Mấy ông say xỉn quậy phá, gây gỗ, họ là người giải quyết, giảng hoà hoặc mời các ông đi về chứ không bao giờ họ gây chuyện rắc rối cho nhà hàng. Giới giang hồ, các chị vũ nữ và ca nhạc sĩ vì thế mà gần nhau, thương nhau và luôn bênh vực cho nhau. Thời đó, dưới mắt tôi, họ là những người hùng. Cách sống của giới này ảnh hưởng đến lối sống và cách suy nghĩ của tôi không ít.

Tôi hát chưa ra gì nhưng lại được nhiều người thương thế nên cuộc sống mấy mẹ con coi bộ cũng đỡ khổ. Tôi mua quần áo đẹp nhất Đalat cho con tôi ở tiệm Au Printemps. Tôi sục vào lầu trên của chợ Hoà Bình, nơi bán quần áo cũ của Mỹ – hàng viện trợ – tìm mua áo da. váy len. giầy bốt. Diện vào, ai dám nói là quần áo cũ. Tôi thường tới quán café nơi Bích Ly, chị cả của ban CBC ngồi giữ két, nói dóc. Bích Ly và tôi hình như bằng tuổi nhau hoặc Ly kém tôi một tuổi gì đó. Hai đứa cùng tên Ly, cùng đen đen như nhau, giọng cũng khào khào giống nhau nên bắt chuyện gớm lắm… Giờ gặp lại trên xứ Mỹ, hai đứa vẫn tưởng như đang ngồi trong quán café ở Đalat.

Thời đó, tôi mới 18 tuổi, còn ham ăn, ham chơi. Chẳng có gì thú vị cho bằng quăng giày dép, chân không, đi, chạy, nhẩy khắp Đồi Cù, xuống Toà Tổng Giám mục, men theo con đường Tình Yêu dẫn lên Toà Tỉnh rồi lại lên Đồi Cù nằm khểnh dưới gốc thông hoặc thẳng tay chân trên bãi cỏ thênh thang nhìn ngắm mây trời. Không nhớ đến ai cũng không cần biết mình là ai, ngày mai sẽ ra sao. Không nhớ ai thật, không cả yêu đương. Không hề nghĩ đến gia đình và Saigon. Tôi thương các con song thường tự hỏi vì sao tôi có chúng trong khi tôi chẳng có một chuẩn bị nào, chưa hề có một khái niệm về gia đình. Những lúc lang thang trên Đồi Cù, cùng các bạn gái đắm chìm dưới suối Liên Khương, tôi ước ao trở lại tuổi 14, 15. Có lẽ, tôi sẽ bắt đầu cuộc đời của tôi một cách khác.

40 năm trước, đó là ý nghĩ của một thiếu phụ tuổi 18, nằm ngủ quên dưới gốc thông già. Buổi trưa nắng vàng chan hoà trên cỏ lá, tiếng thông reo ngân dài, bất tận như một lời ru buồn. Lời ru âm thầm đi vào giấc ngủ và ở lại đó. Lời ru buồn. Rất buồn…


Ca sĩ Khánh Ly
Phần giới thiệu của Hồi Ký “Chuyện Kể Sau 40 Năm”