Điện tử giãy chết

Không đủ năng lực sản xuất và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vốn tụt hậu đã lâu, nay sống mà như chết.
Từ đầu năm đến nay, điện tử vượt dầu thô, xếp thứ hai trong danh sách 10 loại hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Chín tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,6 tỉ USD, tăng 120,6% so với cùng kỳ năm 2011; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,4 tỉ USD, tăng 77,3%... Nhìn vào số liệu cứ tưởng “ngon” song thực tế rất phũ phàng!


Lụi tàn thương hiệu Việt
Công nghiệp tuốc nơ vít
 
Hàng điện tử Việt Nam đã xuất khẩu sang 50 nước nhưng giá trị gia tăng rất thấp vì phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu và chủ yếu là lắp ráp. Năng lực sản xuất ngành này lệ thuộc rất lớn vào khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với hơn 30% số lượng DN, gần 90% vốn đầu tư, hơn 90% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 80% thị phần nội địa. Một số sản phẩm thông dụng như thiết bị máy tính văn phòng, truyền thông và điện tử khác cũng cơ bản do khối FDI sản xuất.
Theo đánh giá của Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện chưa phát triển, không đáp ứng được nhu cầu lắp ráp trong nước. Với công việc lắp ráp đơn giản, hàm lượng lao động Việt Nam trong các sản phẩm điện tử bình quân chỉ 5% - 10% giá trị sản phẩm. Ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật Công ty Sơn Ca Media, cho rằng hàm lượng Việt Nam trong các sản phẩm điện tử nội địa hiện rất thấp. “Chẳng hạn, hàm lượng Việt Nam trong máy tính “made in Vietnam” chỉ dưới 1%, chủ yếu là nhà xưởng, công lao động…
Gần đây nhất, có DN trong nước tung ra máy tính bảng thương hiệu Việt nhưng thực chất trong đó không có hàm lượng chất xám Việt, chủ yếu chỉ dán nhãn và bảo hành sản phẩm” - ông Chính nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các DN điện tử nội địa chỉ lắp ráp một số sản phẩm đơn giản (như tivi, đầu đĩa, nồi cơm điện, tủ lạnh) và gần như nhập toàn bộ linh kiện. Trong khi đó, nhiều sản phẩm điện tử nhập nguyên chiếc có giá còn rẻ hơn cả hàng lắp ráp trong nước. Ngoài ra, các DN nội chủ yếu làm hàng tiêu thụ trong nước nên số lượng sản phẩm không nhiều, lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ nên không có khả năng đầu tư cho công nghệ mới. Sức tàn lực tận, ngành điện tử Việt Nam xem như buông súng đầu hàng trước sức cạnh tranh vũ bão của các thương hiệu ngoại ở mọi phân khúc thị trường.

Giám đốc một công ty điện tử lớn ở TPHCM cho biết trước năm 1990, một loạt DN thuộc Tổng Công ty Điện tử Tin học Việt Nam như Viettronics Tân Bình, Viettronics Thủ Đức, Viettronics Biên Hòa, Công ty Hanel (Hà Nội) rầm rộ ra đời, được người tiêu dùng hưởng ứng nhưng do chất lượng sản phẩm của những công ty này không bảo đảm, bảo hành không tốt nên dần mất khách hàng. Đến nay, gần như không còn thương hiệu điện tử Việt, có chăng chỉ là các DN đặt hàng sản xuất rồi dán nhãn Việt, bán ra thị trường.


Nhờ chọn được lối đi riêng, Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), doanh nghiệp điện tử hiếm hoi
trong nước duy trì được đà tăng trưởng 10%-20%/năm. Ảnh: HỒNG THÚY
Èo uột sản phẩm phụ trợ
Không thể trực tiếp sản xuất, các DN Việt Nam cũng không đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu điện tử lớn đang có nhà máy tại Việt Nam. Chẳng hạn, khu tổ hợp Samsung Complex ở tỉnh Bắc Ninh của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) có doanh thu hằng năm vài tỉ USD nhưng tỉ lệ nội địa hóa cao nhất chỉ đạt 30%.
Dự kiến doanh thu của SEV năm 2012 là 10 tỉ USD nhưng chỉ khoảng 5% số này có được từ thị trường nội địa. Chỉ riêng nhà máy điện thoại di động của Samsung đã cần đến 200 nhà cung cấp, trong đó có khoảng 50 nhà cung cấp trong nước. Tuy nhiên, các DN Việt hầu như không lọt vào được, có chăng cũng chỉ cung cấp những vật tư linh kiện đơn giản, hầu hết còn lại là DN nước ngoài.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, Công ty Fujitsu Việt Nam phải nhập khẩu 100% linh kiện và nguyên vật liệu từ nước ngoài; Công ty Panasonic Việt Nam và Công ty Sanyo Việt Nam chỉ mua được thùng carton và xốp chèn từ các DN Việt; Công ty Canon cũng chỉ tìm được một nhà cung cấp linh kiện Việt Nam và dù đã khảo sát hơn 20 DN sản xuất ốc vít trong nước nhưng không tìm được sản phẩm đạt yêu cầu.
Đó là chưa kể giá thành sản phẩm công nghiệp phụ trợ Việt Nam khá đắt vì chi phí sản xuất/đơn vị sản phẩm cao (các DN phụ trợ Việt Nam lệ thuộc gần 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu). Ông Hitoshi Sakai, Viện Nghiên cứu Normura (Nhật Bản), cho biết khối DN FDI ngành điện tử đang bị thúc ép giảm chi phí linh - phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhưng số DN phụ trợ có thể đáp ứng được yêu cầu hiện rất ít.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina, với bất kỳ nhà sản xuất nào, nếu phải lựa chọn vật tư linh kiện của 2 nhà cung cấp có chất lượng bằng nhau, giá ngang nhau thì dĩ nhiên nhà cung cấp nội được ưu tiên vì không phải mua bằng ngoại tệ, không phải làm nhiều thủ tục nhập khẩu. Về nguyên tắc, khi nhà máy của Samsung phát triển, các DN sản xuất hàng phụ trợ sẽ phải đi theo. Các nhà cung ứng nước ngoài đang “theo” Samsung khá nhiều nhưng hiện vẫn còn nhiều chỗ cho DN Việt, vấn đề là sản phẩm của các DN Việt chưa đáp ứng được những yêu cầu về giá, chất lượng của SEV và còn rất nghèo nàn về dịch vụ.

Công nghiệp tuốc nơ vít !
“Dân trong nghề gọi điện tử Việt Nam là “công nghiệp tuốc nơ vít” bởi các DN trong nước chỉ có vặn ốc, thêm vài mũi hàn... là hết. Hiện một số DN, đặc biệt là DN sản xuất máy tính, đặt hàng nguyên chiếc từ Trung Quốc, ngay cả vặn ốc vít cũng không” - giám đốc một công ty điện tử tâm sự.
Hàng điện tử “tuốc nơ vít” có giá thành cao, linh kiện không đồng bộ nên cạnh tranh không lại sản phẩm của những thương hiệu tên tuổi, vì thế các DN sản xuất điện tử Việt Nam dần teo tóp, phải chuyển hướng làm ăn. 


Người Lao Động - Thanh Nhân