Đọc bài báo thấy buồn

Môi trường kinh doanh kém, vì sao FDI vào Việt Nam vẫn cao?

VOV.VN - Người ta đầu tư không phải để phát triển kinh tế Việt Nam mà tăng lợi nhuận từ chính việc lợi dụng chính sách ưu đãi, kẽ hở kiểm soát, chế tài kém.



Báo cáo môi trường kinh doanh 2013 (Doing Business) được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 6 cho thấy, Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm, gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á – Thái Bình Dương và cao hơn Indonesia (259 giờ), Thái Lan (264 giờ), Phillipines (193 giờ), Malaysia (133 giờ) và Singapore (82 giờ). 

Mặc dù môi trường kinh doanh bị đánh giá thấp hơn so với hàng loạt nước trong khu vực nhưng thời gian qua dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Giải thích cho điểm sáng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không chỉ là thị trường mới nổi, Việt Nam còn có yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.


TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trong một hội thảo gần đây đã nói rõ: "FDI không phải vào để làm từ thiện, họ đầu tư 1 đồng về lâu dài họ phải được lợi lớn hơn con số đầu tư, rõ ràng cái họ sẽ lấy đi nhiều hơn cái họ đầu tư vào”.


Và trong cách Việt Nam thu hút đầu tư có nhiều điểm chưa ổn. Cụ thể, TS Võ Trí Thành dẫn chứng, chúng thu hút FDI chỉ nhìn ngành ấy, nhìn sự cạnh tranh trong nội bộ ngành đó mà không nhìn đầy đủ liên kết ngược, liên kết xuôi của cả nền kinh tế, từ góc độ sản xuất kinh doanh đến tiêu dùng. Cùng với đó, Việt Nam đưa ra những ưu đãi với nhà đầu tư nhưng lại tổn hại đến chính mình, cụ thể là ưu đãi thuế. Theo ông Thành, “Ưu đãi thuế về cơ bản không phải điều quyết định FDI lâu dài thậm chí còn gây méo mó và không hay về mặt thể chế như tham nhũng”.


Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng những khe hở của pháp luật Việt Nam để tăng lợi ích của họ bằng cách trốn thuế.Các nước khác họ rất chặt chẽ trong việc hạch toán xanh thì Việt Nam rất kém. “Và hậu quả là xong việc doanh nghiệp bỏ tiền vào túi ra về còn chúng ta hứng ô nhiễm cùng với mớ công nghệ lạc hậu" – ông Đoàn nói.


Không minh bạch, lại là… cơ hội kiếm tiền!
Môi trường kinh doanh không minh bạch, thủ tục rườm rà, nhưng tại sao nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn đến Việt Nam? Lý do được ông Lê Cao Đoàn đưa ra là họ rất quan tâm đến yếu tố khác rất quan trọng để người đầu tư khai thác được giúp tăng lợi ích của họ lên.


Cụ thể, thay vì hoạt động thương mại trong sản xuất, nỗ lực thay đổi năng lực thì nhà đầu tư lại chú ý tới yếu tố thao túng làm méo mó thị trường, móc ngoặc với quan chức để tăng lợi ích lên cho họ. Nghĩa là ở đây không phải chỉ có câu chuyện tăng chỉ số cạnh tranh môi trường mà thu hút được đầu tư.


Chứng minh cho nhận định này, TS Đoàn đơn cử dự án thép Formosa, nhà đầu tư vẫn đổ vốn lớn dù rằng hiện thép Việt Nam đang tồn kho, bất động sản chết đứng. Thực tế này, theo ông Đoàn, có nghĩa là người ta đầu tư vào Việt Nam không phải nhằm vào phát triển kinh tế của Việt Nam mà là tăng năng lực kinh tế thực của họ từ chính việc lợi dụng chính sách ưu đãi, kẽ hở kiểm soát, chế tài kém…


Việt Nam từng hy vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài không chỉ dừng lại ở việc tăng nguồn vốn và một quan hệ nào đó đối với tăng trưởng mà quan trọng là cấu trúc lại nền kinh tế. Làm cho nền kinh tế nhanh chóng được hiện đại hóa. Thế nhưng mục tiêu này hiện đang được đánh giá là rất kém. “Nếu nhìn bề ngoài có vẻ nền kinh tế có vẻ hồng hào nhưng thực chất là đang rất ốm yếu", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.


Chính vì thế, theo PGS Lê Cao Đoàn: "Với cách quản lý như hiện nay chỉ khó khăn cho những doanh nghiệp làm ăn mà không móc ngoặc được với nhà nước. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước mấy năm vừa qua chết như ngả rạ. Mấy trăm nghìn doanh nghiệp bị phá sản cho thấy môi trường cạnh tranh quá khó khăn. Số làm ăn được chỉ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được ưu đãi".


Và chính cách thu hút đầu tư kiểu cạnh tranh bằng việc ưu đãi cao, không chú trọng đến việc lan tỏa phương thức sản xuất hiện đại của các dự án FDI nên Việt Nam trở thành nước gia công chính hiệu./.


14:49 ngày 22 tháng 07 năm 2014 Vũ Hạnh/VOV.VN