Người Đalat gốc miền Bắc

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, người Đà Lạt gốc Bắc trên thành phố cao nguyên hiện nay chiếm khoảng 50% số dân toàn Đà Lạt. Điều đó cũng phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử xây dựng thành phố.

Chợ Đalat 1959
Để xây dựng Đà Lạt thành một thành phố nghỉ dưỡng, ngày 6 tháng 1 năm 1916, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đã quyết định biến Đà Lạt thành tỉnh lỵ của tỉnh Lang Bian và cho cấp tốc xây dựng các cơ sở hạ tầng như: khách sạn Lang Bian (1916); nhà máy điện (1919); ngăn dòng suối Lạch để tạo nên thắng cảnh Hồ Lớn (Grand Lac) (1919); làm đường xe lửa răng cưa lên Đà Lạt (1920); xây một số trường tiểu học, ngân khố, bưu điện? để thu hút người dân khắp mọi miền đất nước về Đà Lạt cư ngụ nhằm góp phần xây dựng thành phố. Năm 1923, dự án thiết kế đô thị của kiến trúc sư Hébrard được thông qua với quy hoạch phát triển dân cư Đà Lạt về phía Tây Bắc và Đông Bắc của Hồ Lớn đã đánh dấu một bước phát triển của cư dân Đà Lạt. Cho tới bây giờ nhiều người vẫn còn nhớ những năm 1931-1932 đã có hàng chục hộ miền Bắc tìm đến Đà Lạt làm ăn sinh sống tại trại chăn nuôi bò của người Pháp tại Đankia.
Nhằm thực hiện ý định của toàn quyền Đông Pháp, ông Trần Văn Lý, quản đạo Đà Lạt lúc bấy giờ, đã thống nhất với các ông Hoàng Trọng Phu, Lê Văn Định và một vài viên chức khác di dân ở Bắc kỳ vào thành phố. Đầu tiên, vào năm 1938, có 33 người thuộc các làng: Ngọc Hà, Quảng Bá, Nghi Tàm, Xuân Tảo, Tây Tựu và Vạn Phúc (thuộc tỉnh Hà Đông cũ) được di cư vào Đà Lạt để trồng rau và lập nên ấp Hà Đông.

Chợ Đalat 1968
Trong suốt 4 năm (từ 1939 đến 1942), do thiếu công nhân để xây dựng và khai hoang nên nhiều chủ vườn ở Đà Lạt đã phải ra tận các tỉnh miền Bắc như: Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh? tuyển thêm lao động. Số người này phần lớn đã quyết định ở lại Đà Lạt làm ăn khi hết hạn hợp đồng.
Đến năm 1940, ông Phạm Khắc Hoè quản đạo Lâm viên lúc bấy giờ (người Nghệ Tĩnh), sau mấy lần đến thăm ấp Hà Đông, nhận thấy bà con làm ăn được nên mới về quê bàn với ông Nguyễn Thái Hiến đưa một số gia đình trong dòng họ, thân quen của mình từ Nghệ Tĩnh vào Đà Lạt lập nghiệp. Việc chuyển cư này được tiến hành nhiều đợt, chính ông Phạm Khắc Hoè đã bố trí, giúp đỡ cho họ ổn định cuộc sống và xây dựng nên ấp Nghệ Tĩnh vào năm 1940 với diện tích 36ha. Lúc đầu, bà con Nghệ Tĩnh vào Đà Lạt ban ngày phải đi làm thuê, chiều về vỡ đất khai hoang trồng rau. Chỉ sau vài năm, họ đã có trong tay một cơ ngơi rộng lớn và bắt đầu chuyển hẳn qua nghề làm vườn, chuyên trồng cây atisô và dâu tây để cung cấp cho người Pháp và các chợ.
Trong tập hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, ông Phạm Khắc Hoè nhớ lại: Từ ấp Nghệ Tĩnh, tôi qua thăm ấp Hà Đông. ở đây các loại rau và hoa phong phú và tốt đẹp hơn ấp Nghệ Tĩnh, nhưng người thì dè dặt hơn nhiều?
Từ năm 1954 trở đi, nhiều trại định cư của bà con Thiên Chúa giáo từ các nơi như: Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh, Hà Nam Ninh, Thái Bình được xây dựng tại Đà Lạt. Thế là xuất hiện các ấp: Du Sinh, Thánh Mẫu, Đa Minh, Đa Thiện?
Nhiều người cao tuổi kể lại rằng: Tháng 11.1954, nhờ quen biết với linh mục Bửu Dưỡng, hơn 30 hộ dân các vùng Hà Đông, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam Ninh đã được đưa vào Đà Lạt lập trại định cư Du Sinh, đến năm 1960 mới được gọi là ấp. Bà con sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau như: công chức, làm thuê, buôn bán, làm vườn.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4.1955 được sự giúp đỡ của linh mục Mạnh Trọng Bích, khoảng 400 bà con Thiên Chúa giáo của làng Nghi Yên, Cầu Khống thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh mới di cư vào Đà Lạt. Ngày 22.5.1955, bà con đến nơi và lập ra trại định cư Thánh Mẫu. Cũng vào thời điểm đó, hơn 3.000 giáo dân ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh được linh mục Đỗ Ngọc Bích đưa vào quả đồi thông gần trại Du Sinh lập nên trại định cư Đa Minh. Đến năm 1957, vì trại định cư giải tán, cuộc sống quá khó khăn một số gia đình (khoảng 2.000 người) đã tản mát xuống Đồng Nai và một số nơi khác. Số còn lại quyết tâm bám trụ và sau đó trở thành một bộ phận cư dân của khóm Nam Thiên bây giờ.
Năm 1957, khoảng 600 giáo dân của làng Phát Diệm được linh mục Mai Đức Thạc đưa vào vùng Cầu Đất lập nghiệp. Lúc đầu họ nhận vào làm sở trà Cầu Đất, nhưng sau đó vì đời sống quá vất vả nên đã có 60 hộ lần lượt bỏ đi nơi khác, chỉ còn không quá 20 hộ ở lại.
Nói đến những người dân Đà Lạt gốc Bắc còn phải kể đến bà con ở ấp Tùng Lâm, Kim Thạch, đa số là người Hà Đông, Hà Nội được các linh mục đưa đến đây để sinh cơ lập nghiệp.
Từ năm 1957 đến năm 1975, số dân miền Bắc đến Đà Lạt nhập cư không đáng kể, chỉ từ sau năm 1975 đến nay mới thực sự đông đúc do Đà Lạt tiếp nhận một số bà con từ các tỉnh phía Bắc vào làm ăn sinh sống, công tác trong các cơ quan ban ngành của tỉnh và thành phố. Bên cạnh đó, số bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Hà chuyển lên Đà Lạt và nhận nơi đây làm quê hương thứ hai của mình.
Thực tế cho thấy rằng người Đà Lạt gốc Bắc có ảnh hưởng lớn đến phong cách người Đà Lạt vì họ chiếm số lượng khá đông và trong họ có cả một truyền thống văn hiến lâu đời, lễ nghi, phong tục, tập quán truyền thống. Chính điều đó đã góp phần tạo nên sự phong phú về văn hóa cho cư dân Đà Lạt. Phải thừa nhận rằng người Đà Lạt xưa nay có được phong cách tế nhị, thanh lịch, nhẹ nhàng, tiếng nói giàu âm sắc là nhờ ảnh hưởng khá lớn của người gốc Bắc nói chung và người Hà Nội - thủ đô của một đất nước vốn có 4.000 năm văn hiến nói riêng.
Bên cạnh đó, tính cần cù, chịu khó của người Nghệ Tĩnh cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Đà Lạt, vì hơn ai hết, do xuất phát từ một vùng quê nghèo khó, bỏng rát gió Lào, khi đặt chân đến Đà Lạt, những người con Nghệ Tĩnh đã quyết tâm cố gắng làm ăn, tạo ra một ấp Nghệ Tĩnh giàu có và khẳng định được chỗ đứng trong cộng đồng cư dân Đà Lạt như hôm nay.

Trích Con Người Đalat - tác giả Trúc Phương