Người Đalat gốc Thừa Thiên - Huế

Trong những năm 1930, vì sự hà khắc của triều đình và tình trạng đất đai cằn cỗi, những đoàn người Thừa Thiên - Huế đầu tiên đã tìm vào Đà Lạt để kiếm kế sinh nhai. Sau đó, họ về lại quê nhà đùm túm vợ con và rủ thêm người thân thích lên vùng đất tốt tươi, thiên nhiên ưu đãi con người này để sinh cơ lập nghiệp. Họ tập trung cư ngụ quanh khu vực trung tâm thành phố và dọc theo Hồ Lớn để trồng rau và buôn bán, rồi sau đó hình thành ấp Ánh Sáng vào năm 1952. Một trong những người sáng lập là ông Cao Minh Hiệu, thị trưởng của Đà Lạt, và cái tên ấp Ánh Sáng là do ông đặt ra từ phong trào Ánh Sáng của nhóm Tự Lực văn đoàn.

Ấp Ánh Sáng đầu thập niên 50
Nhiều cụ già kể lại: Vào năm 1930, nơi đây chỉ có từ 5 đến 6 gia đình người làng Kế Môn, Phước Yên vào sinh sống với những căn chòi tranh vách lá đơn sơ. Ba anh em ông Cao Quang Kỳ, Cao Quang Chướng và Cao Xá là những bậc tiền bối đã có công khai sơn phá thạch vỡ hoang vùng đất này. Sau đó, hàng chục hộ gia đình từ Thừa Thiên - Huế thấy việc sinh sống ở đây có nhiều thuận lợi và dễ dàng nên mới kéo nhau về đây làm ăn ngày một đông đảo.

Bùng binh chợ nhìn lên nhà Khu Hòa Bình 1955
Năm 1946, do chiến tranh, nhiều gia đình bà con Thừa Thiên - Huế ở ấp Ánh Sáng nói riêng và dân Đà Lạt nói chung phải tản cư đi nơi khác. Cuối năm 1947, họ mới dần dà hồi cư về nơi cũ. Đến năm 1952, khi thành lập và đặt tên chính thức là ấp ánh Sáng, lúc bấy giờ cũng chỉ mới có 36 nóc nhà của 36 gia đình được xây dựng trên một lô đất bằng phẳng ven sườn đồi theo hình chữ A mái ngói, vách gỗ rộng 7,5m, dài 12m, chia thành hai dãy cách nhau một lối đi, mỗi nhà cách nhau 4m tạo thành một khu phố nhỏ xinh xắn. Đến năm 1953 thì dòng điện được chính thức đưa về cho bà con ấp ánh Sáng sử dụng.

Mấy năm sau, do những biến cố chính trị, nhiều người dân Thừa Thiên - Huế quá lo lắng trước cảnh chiến tranh ác liệt ở quê nhà nên kẻ trước người sau, kéo nhau vào Đà Lạt và họ đều tập trung về ấp ánh Sáng làm cho ấp này phát triển lên tới hàng trăm hộ. Năm 1955-1956, một số hộ ở ấp ánh Sáng bị giải toả để làm chợ mới rủ nhau về Thái Phiên, xin cấp đất làm vườn. Một số khác lên ở dọc khu Hoà Bình để buôn bán. Người Thừa Thiên - Huế vào Đà Lạt mang theo cả phong tục và tập quán cưới hỏi, ma chay, đình đám, hội hè, cách ăn mặc chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi lễ nghi cung đình của triều đình Huế vào thành phố cao nguyên. Người Thừa Thiên - Huế thường làm nhà thờ họ, tế tự, giỗ chạp theo chu kỳ nhằm thắt chặt mối tình tương thân tương ái giữa không chỉ những người đồng hương trên quê mới mà còn gắn bó với bà con dòng họ chốn quê nhà.

Họ thường rất kỹ tính trong mọi việc, từ cung cách làm ăn đến sinh hoạt hàng ngày. Chiếc áo dài, chiếc nón bài thơ xứ Huế cũng từ đó có điều kiện du nhập và trở thành phong cách của nữ sinh Đà Lạt .

Chúng ta hãy lắng nghe Khánh Giang mô tả nữ sinh Đà Lạt vào những năm 1950 : Về nữ sinh, cái áo muôn thuở của các cô là cái áo len màu đen. Vào những buổi tan học, nhìn các cô đua nhau rẽ khắp nẻo đường, phất phơ tà áo dài trắng nổi bật với chiếc áo len đen và chiến nón bài thơ xinh xinh xứ Huế !

Riêng cách trang phục của con người Đà Lạt vào thời điểm bấy giờ, đã được Khánh Giang nhận xét:
Từ những người phu xe, những chị buôn gánh bán bưng, những người lao động đến các cậu học sinh, các công chức, tất cả đều phục sức rất đặc biệt theo từng mức sống. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một người bán đậu hủ với gánh hàng nhỏ bé nhưng vẫn tươm tất trong chiếc áo dài trắng thanh cảnh khoác bên ngoài một chiếc áo len, đến bộ com lê? mà bạn rất khi phải mặc ở Sài Gòn và đã giấu kỹ trong đáy tủ, sẽ rất phù hợp khi ở Đà Lạt . Cái nhu cầu chưng diện đã thành thói quen trong giới trung lưu và thượng lưu?

Trích Con Người Đalat - tác giả Trúc Phương