Óc cao đẳng và óc sơ đẳng

Một vị thanh niên đã phàn nàn than thở vì đồng bào đầu óc sơ đẳng không hiểu biết được mình. Nếu ông cũng đầu óc sơ đẳng thì chắc hẳn ông sẽ không phải phiền trách gì ai. Ngặt vì óc ông lại là óc cao đẳng, cái óc đã vượt lên trên bực thường vì chứa được cả đông, tây, kim, cổ.

Ông tức giận mà ông nói, lời nói tuy nặng nhưng là lời nói thật và có lẽ đã đạt được cái tâm lý chung của số nhiều thanh niên, trí thức, họ nghĩ mà không nỡ hoặc không dám nói ra.
Nhiều người chê ông làm phách, nhưng ít ai thấy rõ cái khổ tâm của ông mà chịu rằng ông đã nói ra một sự thật đau đớn mà ta cần phải thấu đáo rạch ròi.
Người ta là một con vật có thể tiến hóa được nhưng nếu hết thảy nhân loại cùng tiến hóa như nhau thì không có sự hơn kém về trí thức, đã không có sự cách dị ở tinh thần.
Đằng này có người có cơ hội được tiến hóa mà lại ở chung với những người chậm tiến, nên thành ra có sự mâu thuẫn giữa hai hạng người đầu óc khác nhau: óc cao đẳng và óc sơ đẳng.
Một đằng thì học rộng biết nhiều, đi tới một cái trình độ cao thâm rồi ở luôn đó mà không xuống bậc được.
Một đằng trí thức thiển cận, tinh thần đơn giản, chỉ hiểu được cái tầm thường bình dị mà không hiểu được những cái phiền phức khó khăn.
Hai đằng khác nhau như thế thì chỉ có không chơi với nhau là không có chuyện. Ông giỏi giang tiến hóa hơn chúng tôi thì ông cứ đi kiếm những người giỏi giang tiến hóa như ông mà chơi, còn chúng tôi ngu muội dốt nát thì chúng tôi chơi riêng với chúng tôi, thế là êm.
Ngặt ông lại sinh nhầm vào cái nước mà nhân tài còn ít ỏi hiếm hoi nên chúng tôi mới kỳ vọng ở ông, rồi chúng tôi muốn làm quen với ông, muốn nói chuyện với ông để cho đến nỗi câu chuyện không thích hợp cho cả hai đằng mà rồi gây nên sự bất hòa đáng tiếc.
Nhưng nghĩ lại cho kỹ thì chẳng phải ở riêng Việt Nam mới có hạng đầu óc sơ đẳng, mà khắp thế giới ở nước nào cũng có cả, chỉ khác ở cái tỉ số nhiều hay ít mà thôi.
Tuy nhiên, ở những nước văn minh tân tiến thì hai cái tinh thần cao thấp khác nhau đó lại hiểu biết lẫn nhau, dung hòa được với nhau mà giúp đỡ cho nhau nhiều lắm.
Óc cao đẳng và óc sơ đẳng
Một anh cử nhân, tiến sĩ, hay bác sĩ mỗi khi ra trường cũng chỉ là người thường không ai thèm ngó ngàng đếm xỉa. Tới khi phải lăn lộn với đời để kiếm miếng bánh mì đút miệng thì đã hiểu được ít nhiều thế thái nhân tình. Cái óc cao đẳng tuy không mất nhưng cái vẻ đài các của nó đã lần lần tiêu ma. Sống ở đời phải ráng mà hiểu đời, trong đời sống vừa có những sự khó khăn phức tạp nhưng cũng vừa có những sự đơn giản thô sơ. Cái óc cao đẳng lắm khi cũng phải bình dân hóa mới có thể hiểu đời mà sống với đời được.
Nhờ thế mà những nhà trí thức chẳng những không cách biệt gì với quần chúng mà lại còn thân thiện được với họ để giáo hóa cho họ một cách đắc lực và bổ ích hơn.
Họ viết sách, họ viết báo, họ khai trí tiến đức cho tụi đồng bào sơ đẳng bằng những sự quan sát, những cuộc điều tra ở hạng người này.
Họ tìm cách, hoặc có khi không tìm mà cũng được, để sống chung với khắp các hạng người trong xã hội để khảo sát về tính tình phong tục, để học lấy những cách ăn nói bình thường.
Rồi tới khi họ viết lên giấy, họ in ra sách thì đều là những chân lý sống.
Vì nó có sự thật trong đời và thứ nhất vì nó được diễn xuất ra một cách tự nhiên linh động.
Thế là cái óc cao đẳng đã phải xuống bậc để hiểu thấu cái óc sơ đẳng của bình dân và để lĩnh hội lấy những cái tình trạng của sự sống tầm thường, lộn xộn.
Nhưng trong khi làm việc đó, cái óc cao đẳng vẫn cứ giúp cho họ hoài. Giúp họ giải quyết những điều khó khăn, tránh khỏi những điều phi lý. Giúp họ sự phân tích có khoa học, giúp họ sự tổng hợp có phương pháp. Nghĩa là giúp họ một cái năng lực khôn ngoan sáng suốt và có bổ ích cho đời.
Tôi thấy bao nhiêu nhà trứ thuật Tây phương, hầu toàn là những bậc túc học thâm nho mà họ không hay có những sự khoa trương thô bạo.
Họ nói ra những lời thông thường giản dị mà ý tưởng vẫn là dồi dào phong phú biết bao nhiêu.
Còn những nhà trứ thuật bên mình thì lại khác. Nếu họ có cái học cao đẳng thì họ lại không hiểu được cách suy nghĩ và ăn nói của hạng người sơ đẳng.
Trái lại, nếu là những nhà trí thức nửa chừng, thì họ lại cũng tự cao tự đại, không chịu học hỏi thêm, không chịu thua kém ai, mà cũng không bao giờ chịu làm thinh trước cái không biết.


Nhà văn Thiếu Sơn
Câu chuyện văn học, NXB Cộng lực, 1943