Không gian đô thị

Khi nói đến văn hoá, văn minh của một đô thị, đầu tiên người ta nhìn vào không gian của đô thị đó. Kiến trúc phơi bày rõ nhất văn hoá, xã hội, con người. Lâu nay chúng ta lo sợ nền kiến trúc của ta trong các đô thị thiếu bản sắc, lộn xộn, lai căng, góp nhặt… Thực ra, trong từng giai đoạn, chúng ta cũng có những công trình đẹp do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, nhưng khi đặt những công trình đẹp ấy cạnh nhau, người ta lại thấy… xấu. Cái thiếu lớn nhất của ta là không có bàn tay thiết kế đô thị. Chúng ta thường đi thẳng từ nhà quy hoạch đến kiến trúc đô thị, bỏ qua vai trò của người ở giữa, đó là thiết kế không gian đô thị, giống như thiếu hẳn vai trò của người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc vậy, nên không có sự hài hoà giữa các công trình. Cũng may là chúng ta đã bắt đầu ý thức được điều này, và trường Kiến trúc đã có khoa Thiết kế không gian đô thị.

Một điều nữa liên quan đến sự sống còn của nền kiến trúc là thái độ hành nghề của kiến trúc sư chưa ổn. Thiết kế phí quá thấp, cách quản lý nhiều tầng nhiều lớp trong xây dựng cơ bản của Nhà nước quá phức tạp, kéo dài, gây ra nhiều tiêu cực. Kiến trúc sư chỉ dành 30% tâm huyết cho sáng tạo nghề nghiệp, còn 70% là lo thủ tục, đối phó, năng lượng uổng phí vô cùng, giá trị tác phẩm không được đầu tư đúng mức. Dễ thấy nhất là các công trình kiến trúc nhà nước, không ai chịu trách nhiệm đẹp xấu, đúng sai, kể cả chuyện không hợp lý, không sử dụng được... Kiến trúc sư phải đáp ứng đòi hỏi của rất nhiều ông này, bà kia, mỗi người một tí, làm mất hết bản sắc. Tư duy “đánh quả” đang phủ trùm nhiều lĩnh vực, không chỉ kiến trúc… Hơn lúc nào hết, chúng ta phải có luật kiến trúc sư, quản lý theo kiểu nghiệp đoàn, và người hành nghề kiến trúc phải sống được bằng nghề, mới mong có được sự chuyên nghiệp.

KTS Nguyễn Trường Lưu