Quá trình lão hóa và tuổi già là quy luật tất yếu của tự nhiên. Tuy nhiên, hiện tượng này xảy ra sớm hay muộn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ngoài yếu tố di truyền, môi trường sống và thói quen lành mạnh cũng góp phần rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự lão hoá và tiến trình tuổi già.
1. Hãy thể hiện thái độ tích cực
Mỗi dịp sinh nhật được xem là thời điểm mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người, song đối với những người đang phải đối mặt với sự lão hoá, đây lại là thời điểm đáng sợ. Thay vì tỏ ra lo sợ và chán nản, các nhà khoa học khuyên mỗi người hãy vui vẻ và có thái độ tích cực hơn khi phải đối diện với tuổi già. Điều đó sẽ giúp bạn trẻ lâu và ngăn chặn được sự đẩy nhanh tiến trình lão hoá. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2008 bởi nhóm của TS. Yang Yang - chuyên gia xã hội học thuộc Trường đại học Chicago, Mỹ, các chuyên gia đã nhận định: Tuổi thọ kéo dài lâu hơn từ những năm 1970 và điều này có liên quan đến việc con người sống vui vẻ. Có hai yếu tố chính liên quan đến sự trẻ trung của con người, đó là thể chất và tinh thần. Khi tinh thần được thoải mái, vui tươi kết hợp với việc tập luyện thể chất đều đặn, con người có thể chống lại sự lão hóa. Ngoài ra, những nghiên cứu từ thực tế xã hội cho thấy: những người cao tuổi có thể tìm lại sự trẻ trung trong việc sử dụng màu sắc tươi trẻ, tiếp xúc với những người bạn trẻ và tích cực tham gia vào các hoạt động mang tính xã hội…
2. Cười nhiều hơn
Tiếng cười mang lại sự tươi vui cho cuộc sống và nó cũng góp phần rất lớn vào việc cải thiện sức khỏe, ngăn chặn sự già đi ở con người. Nghiên cứu của các nhà khoa học Canada năm 2003 đã khẳng định: Tuổi tác không ảnh hưởng gì tới cảm xúc của con người như chúng ta vẫn nghĩ. Những người cao tuổi vẫn có thể tận hưởng cảm xúc như thời trẻ, việc tích cực duy trì nụ cười có thể mang lại cho họ những cảm xúc của sự trẻ trung. Các chuyên gia cũng khuyên người cao tuổi nên dành thời gian tán gẫu và tận hưởng sự vui vẻ, vì nó giúp bạn chống lại tuổi già.
3. Dành thời gian chăm sóc bản thân
Khi tuổi già đến, đó cũng là lúc mọi thứ như chùng xuống. Cùng với thời gian, da của bạn bắt đầu lão hoá, những đốm đồi mồi sẽ xuất hiện trên mặt, da sẽ kém đi tính đàn hồi của thời trẻ và bắt đầu nhăn nheo. Thay vì lo sợ, bạn hãy dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho bản thân và vẻ ngoài của mình. Nếu thời trẻ, công việc, gia đình gần như chiếm hết thời gian của bạn trong việc chăm sóc sắc đẹp thì quãng thời gian này bạn hãy yên tâm mà làm việc đó. Bạn có thể làm đẹp da bằng cách đắp mặt nạ, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, sử dụng kem dưỡng da…
4. Ðối mặt với sự lão hoá của tế bào
Bên dưới làn da đã chùng xuống theo tuổi tác, cơ thể bạn cũng bắt đầu có những thay đổi lớn: các tế bào bắt đầu suy giảm chức năng và chết dần đi. Hãy đối mặt với điều này và học cách sinh hoạt, tập luyện điều độ để làm chậm lại sự lão hoá đang diễn ra bên trong cơ thể. Tránh xa các loại đồ kích thích như rượu, thuốc lá, các thực phẩm nhiều chất béo, ngoài ra có thể tìm đến các liệu pháp có tác dụng chống lão hoá mới như yoga, thiền…
5. Ngủ ít hơn
Khi bước vào thời kỳ già đi, người ta thường ngủ ít hơn so với khi còn trẻ. Một nghiên cứu đối với 110 người trưởng thành khỏe mạnh đã cho thấy: nhóm thanh niên (trung bình từ 20 - 30 tuổi) cần ngủ trung bình khoảng 8 tiếng một đêm để lấy lại năng lượng cần thiết. Trong khi đó, nhóm người trung niên (trung bình từ 40 - 55 tuổi) ngủ ít hơn khoảng 23 phút so với nhóm thanh niên. Cuối cùng, nhóm những người cao tuổi (từ 66 - 83 tuổi) ngủ ít hơn nhóm trung niên khoảng 20 phút mỗi đêm. Như vậy có thể thấy: càng nhiều tuổi, người ta càng ngủ ít đi là quy luật tất yếu và bạn không có gì phải lo sợ khi điều này xảy ra. Đó không phải là hiện tượng mất ngủ đáng sợ mà đơn giản là người cao tuổi cần ngủ ít hơn mà thôi.
6. Ðối mặt với hiện tượng suy giảm trí nhớ một cách lạc quan hơn
Khi về già, trí nhớ suy giảm, hiện tượng quẫn trí hay lẩn thẩn xảy ra là điều dễ hiểu. Càng cao tuổi, tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng, song bạn không nên quá buồn và thất vọng về bản thân mình. Các nghiên cứu của các chuyên gia tâm thần học thuộc Trường đại học Toronto, Canada đã chỉ ra rằng: Bạn có thể khắc phục tình trạng hay quên và tính lẩn thẩn của mình bằng cách ghi lại điều cần nhớ vào một mẩu giấy và dán nó lên tường để nhắc nhở bản thân trong ngày hôm sau. Việc làm này diễn ra thường xuyên có thể giúp bạn cải thiện được trí nhớ. Ngoài ra có thể học ngoại ngữ ngay khi còn trẻ để giúp ngăn chặn suy giảm trí nhớ khi về già.
7. Khắc phục tình trạng khó tính
Khi già đi, người ta thường trở nên khó tính và có vẻ như keo kiệt hơn. Bạn đừng quá lo lắng tới việc người khác nghĩ sao về bản thân mình. Theo một kết quả điều tra đối với hơn 46.000 người Mỹ từ năm 1972 - 2004, thái độ nhìn nhận của một nhóm tuổi là rất khác nhau. Nhóm thanh niên thường có thái độ tự do và phóng khoáng hơn trong cách suy nghĩ và giải quyết mọi việc từ kinh tế cho tới các vấn đề về tự do ngôn luận, tự do lựa chọn và tự do tình dục… song khi bước vào tuổi già, thái độ này cũng dần mất đi, hầu hết mọi người đều trở nên trầm lắng và kém phóng khoáng hơn, đó là điều dễ hiểu và không ai nên buồn phiền vì điều đó.
SK&ĐS