Muốn hòa giải không thể bước qua công lý



Nguyễn Hoàng Đức
Muốn có hòa giải và hòa bình đích thực, thì mọi người cũng như xã hội, hơn thế là cả thế giới phải biết tôn trọng hiệp ước chung sống bất thành văn.

Các chuyên gia xã hội học phát hiện rằng: bất cứ một nhóm trẻ em nào đang chơi, nếu có một em khác mới đến muốn tham dự cuộc chơi, tất cả sẽ dừng lại và lý giải cho thành viên mới qui tắc và cách thức tham gia trò chơi. Tại sao chúng phải làm như vậy? Bởi vì chúng không muốn kẻ mới nhập cuộc làm hỏng trò chơi cũng như niềm vui của chúng.

Như vậy thật quá rõ ràng, xã hội từ những cuộc chơi nhỏ bé như chơi tam cúc, đánh phỏm, đánh cờ, hay đánh chắn , đánh tổ tôm, hoặc lớn hơn là bóng chuyền hay bóng đá, người ta đều phải có qui ước chung, qui tắc chung, cũng là công lý thì mọi thứ mới vận hành và đảm bảo cho trò chơi vận động. Xét rộng và xa hơn, những cam kết hay hợp đồng làm ăn lại càng phải tuân thủ tính công lý hơn bao giờ hết. Bởi chỉ có thế, người ta mới có thể dùng pháp luật bắt phạt, hay trừng trị người vi phạm công lý chung.

Người Việt có câu "một sự nhịn chín sự lành", hoặc người Hoa có câu khác :

Nhất cần thiên hạ vô nan sự
Bách nhẫn gia trung hữu thái hoa

Nghĩa là:
Một chữ chuyên cần thiên hạ không có việc gì khó, trăm sự nhẫn nhục gia đình được bình an.
Như vậy, muốn có bình an, người ta buộc phải nhẫn nhục chịu đựng, làm sao để không nổ ra tranh cãi, bất đồng chính kiến, "tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại" , kết quả dẫn đến lao vào ẩu đả, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, rồi thiếu tự chủ còn đem gậy gộc đòn càn phạng nhau, thấy còn chưa đã thì đem cả dao và súng ra tranh giành hơn thua, dẫn đến sứt đầu mẻ trán, có khi còn thiệt tính mạng. Gia đình "một giọt máu đào hơn ao nước lã" đã vậy, thì thiên hạ người dưng với nhau còn khốc liệt hơn. Người Mông Cổ có câu "một ngọn lửa có thể làm cháy cả cánh đồng cỏ", một sự bất đồng của cá nhân, gia đình hay dòng họ hoàn toàn có thể cháy lây lan thành những cuộc chiến trên bình diện quốc gia hay nhân loại.

Trong tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình", văn hào Leo Tolstoi đã viết: khi kéo quân đến biên giới của Nga, Hoàng đế Naopoleon muốn hòa đàm đã kêu gọi sứ giả của nước Nga đến hòa đàm, nhưng đúng lúc thỏa hiệp có thể được đưa ra để kết thúc chiến tranh, Napoleon lại nổi hứng hùng biện và diễn thuyết, ông nói tràng giang đại hải, làm mếch lòng sứ giả của nước Nga, thế là chiến tranh buộc lòng phải diễn ra.

Nhưng muốn hòa bình, thì người ta không thể nén nhịn một cách uất ức, lên giường đi ngủ, rồi thì coi như đã hòa giải. Đó là thứ hòa giải của khuất phục, hòa giải không nội dung, hoặc như nhà thơ Việt Phương đã từng viết: "Tốt đến yếu mềm chỉ là đồ dẻ rách". Văn hào Lỗ Tấn cũng nói: người Trung Hoa cho rằng lòng tốt mà không làm gì chỉ là hạng vô tích sự. Như người Việt bảo, đó là loại, ruồi đậu mép không thèm đuổi.

Trong gia đình, là hạt nhân của xã hội, thời phong kiến khi đề cao quyền tuyệt đối của quân vương như "
Quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu", nghĩa là: vua xử thần chết, thần không chết là bất trung; cha xử con chết con không chết là bất hiếu. Trời ơi cái quyền gì vô lý đến mức, nhà vua ban cho cái chết phải vinh hạnh mà chết nếu không vùng vằng làm mình làm mẩy mà chết thì cả chín họ sẽ bị chết theo. Lại cũng thật phi lý, người cha có quyền bắt con phải chết cũng đành chết như thể người cha đã sản xuất ra mình thì có quyền của một ông chủ so với đồ dùng. Còn người vợ thì sao? Người ta coi vợ chỉ là áo mặc, thay lúc nào nên lúc ấy, có thể đem bán hay ở đợ, kiếm tiền đánh bạc. Vì thế trong nhà, chỉ có sự im lặng khiếp nhược, mà không phải hòa giải, hay hòa bình đích thực. Chính thế mà người Việt mới ca thán:

Cha nói oan
Quan nói hiếp
Chồng có nghiệp nói thừa

Có rất nhiều nhà, ông chồng cùng lúc có cả ba thứ trong tay, nên mặc sức nói oan, nói hiếp và đổ thừa cho vợ con, thì ai mà sống nổi. Vì thế ngay trong gia đình để có hòa giải thực sự, cũng là có yêm ấm hạnh phúc thực sự, thì phải có chồng hiền - vợ thảo, cha từ - con hiếu. Ông chồng cờ bạc, rượu chè say sưa bét nhè, rồi còn bạo lực đánh vợ con, thế mà vẫn đòi vợ con kính phục thì ai chịu nổi. Người Việt có câu:

Đêm nằm nghĩ lại mà coi
Lấy chồng đánh bạc như voi phá nhà

Và người Việt cũng biết tôn vinh những người chồng có học. Bởi người có học tức "Nhân bất học bất tri lý". Làm người có học, thì người ta mới biết suy xét đúng - sai, phải - trái, tốt - xấu. Có học, tức là "người quân tử đấu trí", còn "kẻ tiểu nhân đấu chân tay". Người có học, hiểu biết nhiều tức lấy lý lẽ mà thuyết phục "nói phải củ cải cũng nghe", chứ không phải hạng võ biền nói lấy được "cường từ đoạt lý". Thánh Gandhi, một con người vĩ đại giành độc lập cho dân tộc Ấn Độ bằng con đường hòa giải - tức bất bạo động (non violence) đã ngăn chặn một cuộc biểu tình bằng bạo động rằng: Các anh em đừng tưởng, dùng vũ lực thì chiến thắng nhanh hơn. Phương tiện càng thuần khiết thì tiến đến mục đích càng nhanh. Khi chúng ta nhẫn nhục bất công thì không có nghĩa là chúng ta thừa nhận và khuất phục bất công. Mà chúng ta đang lựa chọn cách hành động bất bạo động để loại trừ bất công.

Trong một gia đình, khi một người chồng, một người cha không gương mẫu, không xứng đáng làm tấm gương lý trí cho cả nhà cũng vậy, thấy mọi người không phục mình, anh ta liền hò hét đánh đập, việc một số vụ án bạo hành cả vợ, cả người yêu, cả con, thậm chí đâm chém hay hắt xăng thiêu sống vợ gần đây là những bằng chứng rõ ràng cho thấy, đó là những kẻ sống không đạo đức hay bản lĩnh, đã dùng đến hạ sách bất lực tuyệt đối để cứu vãn cũng như bắt người khác yêu mình.

Tôi đã từng nghe một câu chuyện ở quán nước bên đường. Người cha bảo: "Tao thật khổ khi đẻ ra mày, nào lêu têu, bỏ học, rồi bây giờ cãi chửi cha". Người con liền độp lại: "Tôi chẳng tự hào gì khi làm con ông. Ông xem bao đứa trẻ, bố nó có tay nghề cao, làm ăn, buôn bán giỏi giầu có, được mọi người kính trọng. Còn ông là cái thá gì, lười biến, hút chích, rượu chè , đánh vợ chửi con. Ông là nỗi nhục của vợ con. Chúng tôi nhục vì có ông làm cha. Vậy mà ông còn lên giọng dạy đời, dạy đạo đức nữa. Giờ tôi có hư hỏng là cũng vì ông đấy".
Có rất nhiều cô vợ cam chịu nhịn nhục chồng, nhưng trong lòng khinh chồng như mẻ, chỉ cần ra khỏi cửa nhà thôi , các cô đã chửi thằng ấy, thằng nọ, bán cả sữa của con để lấy tiền mua rượu hay đánh bạc. Việc này, còn được thể hiện trên bình diện xã hội phổ quát. Phụ nữ Trung Quốc cam chịu vậy, mà gần đây có rất nhiều chị em chủ động đâm đơn đòi ly dị chồng, một việc ngày xưa tuyệt đối không có. Đã thế chị em con ruồng bỏ đàn ông Trung Quốc ngay cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Chị em bảo: đàn ông Trung Quốc chỉ coi trọng tình dục, mà không đủ lãng mạn để biết đến tình yêu.

Trong xã hội bình đẳng ngày nay, một việc nhỏ trong nhà thôi, người vợ hay chồng đều tìm cách giải quyết bằng đối thoại như họ mở màn: " em muốn nói chuyện với anh" , hay "chúng ta không thể im lặng"... Đó là hòa giải có giải quyết bằng đối thoại, chứ không phải hòa giải chỉ là im lặng cam chịu khuất phục, rồi ấp ủ những căm ghét nguyền rủa ở bên trong. Các chuyên gia xã hội học cho biết: những cặp vợ - chồng thường xuyên cãi cọ ẩu đả lại chẳng khác gì tập võ đối kháng để yêu nhau hơn, còn những đôi im lặng đến một ngày vỡ ra khối u thì bao giờ cũng rất nặng.

Từ nhà ra ngõ, từ tế bào gia đình đến xã hội thấy rằng: người ta không thể nào có được hòa giải đích thực cũng như tình yêu đích thực, nếu bỏ qua không cần đến công lý. Bởi công lý chính là chìa khóa chung, lẽ sống chung, giải pháp chung, đáp số chung dành cho mọi người, chứ không phải "sư nói sư phải , vãi nói vãi hay", hoặc sói nói ngôn ngữ ăn thịt cừu, còn cừu thì chỉ có lời biết ơn tận hiến, không phải lối đàn ông cậy sức ăn hiếp đàn bà, người khôn đánh lưới người dại, người lớn bắt nạt trẻ em, hay kẻ dùng tiền và quyền bắt chẹt những người thấp cổ bé họng. Muốn có hòa giải và hòa bình đích thực, thì mọi người cũng như xã hội, hơn thế là cả thế giới phải biết tôn trọng hiệp ước chung sống bất thành văn. Hiệp ước đó cũng chính là công lý dành cho tất cả mọi người