Vô cảm

        Sự vô cảm, dửng dưng trước số phận của đồng loại đang trở thành một căn bệnh gặm nhấm xã hội, khiến cho niềm tin vào lương tâm con người, vào lòng vị tha, vào sự bình tâm khi bên cạnh có người khác… bị giảm sút. 

Không giúp, lại lượm tiền của người bị cướp ???
        Thấy một mảnh chai sắc nhọn giữa đường không nhặt vào thùng rác. Thấy người bị cảm mạo ngã trên hè không dìu đi cấp cứu. Thấy người bị tai nạn giao thông đổ xe, guốc dép túi xách văng ra đường, thân thể bị chấn thương có khi ngất lịm, nhiều người xúm lại, nhưng không phải để giúp đỡ mà vì tò mò. Thấy người bị cướp giật, thấy nhà trong xóm bị cháy mà không vứt hết công việc đang làm để cứu giúp. Thấy người tàn tật, đau yếu, già cả, đang mang thai hay trẻ em trên phương tiện giao thông công cộng không nhường chỗ. Thấy người thiếu đói không nhường cơm xẻ áo v.v… là vô cảm. Từ những vô cảm trong cuộc sống thường ngày đó đến những vô cảm trừu tượng hơn nhưng tai hại hơn. Đó là vô cảm trước tội ác. Vô cảm trước sự tham lam ích kỷ. Vô cảm trước sự vô trách nhiệm với công việc mình phụ trách, trước xã hội của không ít người. Nhìn ở khía cạnh tiêu cực của nó, nhiều lời khuyên lâu nay khuyên người ta chỉ lo thân mình, sống chết mặc người. "Đèn nhà ai nhà nấy rạng", "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", "Cả gan nhổ bọt lên trời, Trời cao chẳng thấu bọt rơi mặt mình". Chính tâm lý an phận, mình biết lấy mình, né tránh đấu tranh vì sự công bằng xã hội, vì lẽ phải đó đã tạo điều kiện cho tệ tham nhũng, biến công thành tư, vi phạm dân chủ lâu nay. Nhiều vụ tham nhũng, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng; nhiều việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng; nhiều quyết định đến mức vô lý vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm trước khi bị phát giác chính từ lý do này.
Từ cầu vượt Trạm 2 đến ngã ba Suối Tiên thì thấy có hàng chục tiệm sửa xe có cùng kiểu bảng hiệu giống nhau. Một người dân khác tên T. còn tiết lộ rằng không chỉ đơn thuần là bọn xấu rải đinh để họ vá xe, thay ruột với giá cắt cổ mà cái chính là để "hôi của" của các nạn nhân. (Báo Thanh Niên)
         Bệnh vô cảm vẫn ngày càng gia tăng và chưa có cách ngăn chặn hữu hiệu. Nó là báo hiệu buồn tẻ về tương lai, là tín hiệu lụi tàn của văn chương, nghệ thuật, là lời cảnh báo khẩn thiết về mặt trái của cuộc sống hiện đại. Giữa rất nhiều căn bệnh, vô cảm tưởng chừng như ít tai hại hơn nhưng hoá ra, nó lại là căn nguyên của nhiều căn bệnh trầm trọng khác, nếu chúng ta không cảnh giác và kiên quyết chống lại nó.
(trích báo điện tử ĐCSVN 08/09/2011)