Dân tộc nào cũng có những phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu và đương nhiên cả những tính xấu. Dân tộc Việt Nam cũng vậy. Vấn đề là nắm đúng được căn nguyên của bệnh để kê đơn cho đúng thuốc. Nguyễn Văn Vĩnh đã tỏ ra khá tinh tế và sắc sảo trong vấn đề này khi ông phát hiện những thói xấu mà nhiều khi vô tình ta không coi đó là vấn đề cần lên án. Thói quen ỷ lại là một ví dụ.
Ở các nước văn minh người ta ghét nhất sự ỷ lại. Đến mức cha mẹ dù có vất vả cũng sống giản dị với nghề của mình, thấy con ăn nên làm ra, giàu có thì mừng cho con chứ không muốn nhờ cậy. Chỉ khi nào thật sự già yếu quá, túng thiếu quá mới yêu cầu con cái giúp đỡ. Dân ta thì ngược lại. Nhiều người có thói quen coi việc được sống dựa vào sự giàu có của người khác là một vinh dự. Đến độ thấy người sang bắt quàng làm họ; một người làm quan cả họ được nhờ; có người bỏ cả việc đang làm để bám vào người khác mà ăn không ngồi rồi. Vì thế người nghèo thì không khá hơn do lười lao động, người giàu thì phải tìm cách bất lương để có thêm tiền chu cấp cho họ hàng; người làm quan thì phải ra sức hà hiếp, chèn ép dân để ăn hối lộ. Cứ thế, đất nước quanh quẩn trong đói nghèo, lạc hậu:
“Phải trông vào hai tay mình mà có ăn, tựa hồ như một cái nhục. Ai có được anh em chú bác hoặc con cháu làm nên mà nương nhờ, thì lấy làm vinh hạnh. Người làm nên cho họ được nhờ cậy, thì lấy làm một nghĩa vụ danh giá. Vì một lí tưởng ỷ lại ấy, cho nên trong nước thực lắm kẻ ăn không. Trong một họ, có người làm quan, hoặc có người giàu có, thì từ ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em, ai cũng trông vào đấy cả. Ví bằng đương có nghề gì làm ăn, thì hình như cũng phải bỏ nghề đi mà nhờ. Mà người làm nên quan cả, nếu để cho thân thích phải làm nghề hèn kiếm ăn, tự hồ cho như là một điều bạc ác, diết dóng.”
Theo ông, cái tệ này rất nguy hiểm. “Nếu nước Nam ta mà cứ để vậy mãi cái phong tục nhờ vả, trông cậy lẫn nhau, thì càng ngày trong nước càng thêm giống xâu (sâu) bọ, công nghệ không sao tiến hoá được, việc bán buôn không sao thịnh được, mà trong đám thượng lưu cũng sai mất cái đường hy vọng” .
Một thói tật cần lên án nữa của người Việt là thói chuộng hư danh. Người Việt Nam vốn có tính cần cù chịu khó, hay lam hay làm nhưng lại hay đứng núi này trông núi nọ, không biết coi trọng công việc hiện tại của mình, xem thường việc lao động chân tay. Trong mục “Xét tật mình”, Đông Dương tạp chí số 11 năm 1913, ông viết: “…Tay cầm cày mà mắt vẫn trông bọn dài lưng tốn vải, lúc nào quăng được cái cày có ích, mà cầm lấy cái bút lông thỏ vẽ hươu vẽ vượn, tả cảnh trên giời dưới biển, thì cũng quăng đi ngay. Người đi buôn, người làm thợ thì lúc nào bất đắc dĩ phải vất vả thì vất vả. Đến khi nhờ cái chàng cái đục, cái kim cái chỉ, mà có đồng dư, thì đi lo ngay cái hàn cái bát chi chi, nghề nhà giao cho lũ đầy tớ không thèm làm nữa. Còn nhà nho thì khôn học, gia công đèn sách, cũng chẳng qua cố lấy đôi hia cái lọng, khi đã được rồi như người được câu thần chú mở cái cửa công đường. Làm đến quan chữ nghĩa xưa không dùng đâu đến nữa, thì cái cần lao đó có gọi là cần lao hữu dụng được không?”
Nguyễn Văn Vĩnh cũng mổ xẻ một tật xấu mà nhiều người vẫn cứ cho là một đức tính tốt của người Việt: tính hay cười. Trong mục “Xét tật mình”, Đông Dương tạp chí số 22 năm 1913, ông viết: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”
Ông đã chỉ ra rằng cái cười không đúng lúc đúng chỗ chẳng những không tích cực mà còn gây phản cảm: “Xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cách láo sược (xược) khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí (chí) không phải nghe hết nhời (lời) người ta mà đã rèm (bác bỏ) trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta (…) Không gì bực mình bằng dát (rát) cổ bỏng họng, mỏi lưỡi tê môi để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng hì, khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì, thì ir a không phải phát tức”. Cái cách ứng xử kiểu “gì cũng cười” như vậy, theo Nguyễn Văn Vĩnh, là “cách đãi kẻ dưới một cách thô tục, người có giáo dục đãi đứa ở cũng không nỡ thế”.
Thói quen “gì cũng cười” của người Việt là một thái độ không đúng mực chứ không phải là “cách của người hiền” như người ta vẫn tưởng: “Nó làm cho ta hình như (là) kẻ sấc (xấc) láo, không coi ai ra gì. Mà nên phân cái sấc (xấc) láo là cái nết tiểu nhân với cái cười đời là một cách cười kín đáo”.
Là một người năng động, hăng say làm việc và ham học hỏi, lại sống vào lúc đất nước đang cần gấp rút học tập phương Tây mà phát triển khoa học kĩ thuật để tiến bộ, Nguyễn Văn Vĩnh hết sức bất bình trước một thói xấu rất phổ biến ở một bộ phận không nhỏ người Việt là chỉ ngồi thừ cả ngày vô ích. Họ không biết tận dụng điều kiện của mình để học hỏi, trau dồi kiến thức hay lao động tạo ra của cải; họ bỏ phí bộ óc của mình không chịu suy nghĩ. Trong chuyên mục “Xét tật mình”, Đông Dương tạp chí số 16, ông viết: “Giống người An Nam ta, và có nhiều giống ở Á Châu, có một tính do thủy thổ và có tính truyền nhiễm đã lâu đời là tính ngồi thừ, không làm gì mà cũng không nghĩ gì cả. Tục ta nói rằng con ruồi đậu mép cũng chẳng buồn xua”.
Tính ngồi thừ ấy gây cái thiệt hại không nhỏ cho cả cá nhân và xã hội. Đó là sự lãng phí ghê gớm về mặt thời gian khi mà đời người là hữu hạn. Đối với Nguyễn Văn Vĩnh, một đời sống hữu ích phải là một cuộc sống trọn vẹn, sống hết mình mỗi phút giây: “sống là cử động, là mừng, là tủi, là cố gắng tất tả, chẳng bận việc nọ thì bận việc kia, có hỏng việc này mới khôn việc khác, có khó khăn, có vấp váp đến khi thành, nó mới thấy cái sướng, cái vẻ vang của người thắng…”
Theo Nguyễn Văn Vĩnh, người ta ở đời thì giờ phải phân làm ba việc: làm lụng, nghỉ ngơi, giải trí. “Lúc làm ăn giốc chí làm ăn; khi đã muốn chơi, chơi cho nhã; lúc đã muốn ngủ, ngủ cho say. Chớ có nửa làm, nửa ngủ, nửa chơi…Sống một trăm năm mà ngồi thừ quá nửa thì khác nào như non yểu ba mươi năm”. Ông cho rằng muốn sống có ý nghĩa, sống có ích thì người Việt phải bỏ được thói tật này, phải “tập lấy thói quen, mỗi khi mình hỏi lại mình, xem trí mình nghĩ làm sao, tay mình làm việc gì. Hỏi phải tự đáp được: ta làm, ta nghỉ, hay là ta chơi. Bằng chẳng đáp được, thì ta nên hối hận đã hoài ngày tháng, như một lúc sống thừa.”
Trên đây chỉ là một vài nết xấu, hủ tục của người Việt trong loạt bài viết về đề tài này của Nguyễn Văn Vĩnh. Tuy nhiên, chỉ với bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy rằng căn bệnh cần kê đơn của người Việt là khá trầm kha! Nguyễn Văn Vĩnh đã cho thấy sự tinh nhạy, sắc sảo và thẳng thắn của mình khi mạnh dạn mổ xẻ những ung nhọt của xã hội để từ đó có thể biết hết, chữa hết. Đây là một sự dũng cảm, một bản lĩnh mà không phải ai cũng có được. Nó cho thấy cái tâm của ông với đất nước, với vận mệnh của dân tộc. Ngày nay, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy xã hội vẫn còn ngổn ngang những tiêu cực, những trì trệ do ý thức của người dân còn chưa cao; càng thấy thấm thía hơn những điều mà Nguyễn Văn Vĩnh đã nêu ra từ cách đây cả một thế kỷ: một dân tộc muốn trở thành văn minh, giàu mạnh phải biết rõ những hạn chế ở bản thân mình, “tự biết dại ấy là đã giơ chân bước vào đường văn minh đó”.