Phê phán những hủ tục

    Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu nên còn nhiều hủ tục. Những hủ tục này cản trở không ít đến sự phát triển của đất nước. Thói quen cúng bái, mê tín dị đoan là một ví dụ. Trong hoàn cảnh cuộc sống còn khó khăn, người sống còn không có cái ăn mà lại đi lãng phí tiền của để mua “voi giấy, mua ngựa giấy, hình nhân” đốt cho hồn ma thì thật đáng trách. Điều này được Nguyễn Văn Vĩnh đề cập đến trong bài Thiếu gạo ăn thừa giấy đốt, đăng trên Đại Nam Đăng Cổ Tùng báo số 802, ngày 30-5-1907.

     Ông  phê phán: “Ngẫm ngay cái điều cúng chúng sinh. Người đi ăn mày từng lũ lượt, thì chẳng nhìn đến, lại nhớ đến mấy con ma, mà sao lại khéo biết là ma đói? Đến cái bịa đặt ấy, thì chịu nước Nam, duy chỉ bịa ra máy móc là không biết mà thôi. Giời rét đến người trần cũng không có áo mà mặc, lại đi làm áo giấy để cúng các quan, chẳng biết các quan nào. Mình chẳng ra gì thì chớ, lại tưởng rằng ngoại dương gian cũng chẳng ra gì nữa. Trên trần ta thì có mấy quan ai lễ thì mới binh vực, chớ ở trên giời nếu cũng thế, thì chẳng hóa ra ông giời đâu đâu cũng tạo điều bất lương ư?”

     Ông phân tích: “Làm như thế thực là đùa thánh thần đó, thánh thần đâu lại hễ ai cúng thì tha. Còn như ma đói, ma khát thì thực là bịa đặt. Sự đói khát là một cái cần riêng của giống súc sinh ở trần gian. Ra ngoài xác thịt không còn đâu những điều hèn hạ ấy. Nếu không, sao gọi là linh? Nếu có tài làm được điều lành điều dữ cho người ta, thì việc chi lại cần đến mình cho ăn; một năm cúng hai lần, còn những ngày khác ăn vào đâu?”

     Theo Nguyễn Văn Vĩnh, cần phải hiểu chữ “thờ” cho đúng nghĩa: “Xưa nay nước mình hay cúng vái cũng bởi hiểu nhầm điều này”. “Thờ một ông thánh, nghĩa là làm để cho lưu cái danh ông ấy lại, chứ không phải chiệu (triệu) hồn ông ấy về, ăn miếng thịt quay, uống ba chén riệu (rượu), rồi khấn ông ấy điều gì cũng được đâu.”

     Một trong những thói tục Nguyễn Văn Vĩnh lên án nữa là tệ lãng phí khi ma chay, cúng giỗ. Người Việt Nam vốn trọng tình cảm, lễ nghĩa, coi trọng mối quan hệ với họ hàng làng xóm, việc ma chay, cúng giỗ đương nhiên phải có. Thế nhưng, không phải cứ mâm to cỗ đầy linh đình mới là hiếu thuận với người đã khuất. Tổ chức “ma to giỗ lớn” trong khi nhà không có cái mà ăn, phải bán cả ruộng vườn thì hóa ra lại là mang tội với cha mẹ. Trong bài “Ma to giỗ nhớn” đăng trên Đại Nam Đăng Cổ Tùng báo, số 796 ngày 18/4/1907, ông phê phán: “Phong tục An–nam mình, nhiều điều thật không có nghĩa lý gì. Như có bố mẹ lên lão, hoặc mình đi thi đỗ, cưới vợ, làm nhà, được làm quan, thăng hàm, mà ăn mừng thì còn có nhẽ; nhưng bố mẹ chết, mà mổ trâu mổ bò, mời làng mời nước, biếu–sén hàng sóm (xóm) láng giềng, thì còn có nghĩa gì nữa ? (…) Tôi nghĩ không giả nghĩa nào bằng: lúc cha mẹ còn sống; nhà thường thì cố làm ăn cho cha mẹ được hiển vinh; nhà có thì gắng nên tài trí để cha mẹ được danh tiếng. Tôi tưởng lúc ông–cụ bà–cụ nằm xuống mà nghĩ được rằng: “ta đã sinh ra được con có tài có đức, cho xã–hội được nhờ; thì dù ta từ trẻ đến già, không làm nên điều gì, song đã để lại được dọt (giọt) máu tốt, để chuộc lấy cái đời vô ích của ta”, thì chắc hẳn các cụ thỏa lòng hơn rằng, chết rồi có tư–văn hàng–giáp đến tế–lễ linh–đình”.

     Ông cũng bác bỏ lí do làm ma to, giỗ lớn để trả nợ miệng cho họ hàng làng xóm: “Cũng có kẻ nói là nợ miệng: ăn của người thì lại phải mời người đến ăn. Trong một đời người thiếu gì dịp tiếp khách, lại phải nhân khi bố mẹ chết mới tưởng đến ơn người cho ta ăn một bữa. Thì ra khi bố mẹ chết, tưởng đến bố mẹ ít, tưởng đến kẻ cho ăn nhiều.

     Tôi tưởng làm người, thực có hiếu với cha mẹ, thì lúc cha mẹ thác đi, còn có trí nào mà nghĩ đến những điều thiệp–lịch mấy được, còn có bụng nào mà để vào những sự tiếp đãi anh em. Vả làm ra cỗ bàn lại hóa ra mất cả lòng thành hàng sóm (xóm) láng giềng, bạn-bè thân-thích. Thành ra ai cũng mang tiếng, vị có bữa cơm mấy đi đưa bà con tới mồ, chớ không phải thương vị tiếc bà con mà chịu khó nhọc đi đưa đám. Sau nữa lại còn một nỗi: vừa mất cha mất mẹ lại còn vừa hết cơ hết nghiệp, hết tang người rồi lại đến tang của. Có đâu lại làm như thế!”

     Cũng về đề tài này, Nguyễn Văn Vĩnh còn có một bài viết khá gay gắt và thấm thía trên Đông Dương tạp chí số 10. Theo ông, ở nông thôn, cái thói xấu đáng hổ thẹn nhất, cần lên án và loại trừ là thói coi việc ăn uống là việc quan trọng hàng đầu trong quan hệ xã hội, “hạch nhau từ miếng thịt nắm sôi (xôi), làm cho người ở chốn hương thôn điêu đứng về cái nợ miệng”. Ông phẫn uất: “Ăn đâu mà lại có, mẹ người ta chết cũng đòi ăn, bố người ta già cũng đòi ăn. Không có cảnh nào làm cho người nhà quê An Nam nên xấu hổ bằng cái cảnh một nhà tấp nập, người chết nằm trong áo quan, người sống thì kẻ khóc người rên, mà chồng còn phải đi cầm trâu bán ruộng, vợ thì tất tả đi mượn nồi mượn niêu, trước giường thờ thì thân hào kỳ lão, cụ nọ ông kia thứ tự ngồi nhìn nhau đợi mâm cơm nai rượu cho được”.

     Chính vì cái hủ tục đó mà đời sống người nông dân khốn đốn. “Tiền buôn bán chẳng có, đi vay nợ về làm mấy mâm cỗ để giữ thể diện với hàng xóm”. Quá bức xúc trước những thói tệ vô lý, dã man đó, Nguyễn Văn Vĩnh dường như không giữ được bình tĩnh nữa, viết đến đoạn này, người đọc cảm thấy như ông đứng bật dậy mà hét lên: “Nhục! Nhục! là nhục cả bọn khu khu thủ cựu, giữ thói giã man, nhà người ta chết cha than khóc, còn vác miệng đến đòi ăn. Nhục là nhục những đồ quanh năm bỏ sõng hai tay chỉ nay đi giỗ này, mai đi chay nọ, làm cho việc đãi khách vốn là cái thảo, là việc cầu thân, mà sinh ra một cái nợ phải nhăn nhó. Nhục, nhục cho xã hội nước Nam, tưởng đoàn tụ nhau mà cùng giữ yên chung, mà đồng tâm hiệp lực đưa nhau cho mỗi ngày một dảo bước lên cõi sung sướng, lên cõi khôn ngoan, chẳng hóa ra hội tụ để mà tranh nhau thịt lợn thịt gà, để mà ghen tị nhau miếng to miếng nhỏ, đầu cánh phao câu, để mà tị nhau chiếu trên chiếu dưới, bát đầy bát vơi. Miếng thịt là miếng nhục!”.

     Từ rất sớm, Nguyễn Văn Vĩnh đã thấy được những tác hại của việc đốt pháo. Trong bài “Đốt pháo” đăng trên Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo số 824, ngày 31-10-1907, ông tỏ rõ quan điểm “đốt pháo là thậm giã man, thậm hay sinh phiền, thậm vô lý, thì anh em ta nên bỏ dứt hẳn đi.”

     Ông phân tích rằng tục đốt pháo chẳng qua là du nhập từ mấy “chú khách”, vừa không có ích lợi gì lại sinh ra lãng phí, tổn hại tới kinh tế, sức khỏe. Tục đốt pháo ở nước ta đã bị chính phủ dẹp bỏ từ nhiều năm nay vì những tác hại của nó. Thế nên đọc lại Nguyễn Văn Vĩnh trong bối cảnh cách đây hơn một thế kỉ mới thấy khả năng “nhìn thấy trước”  vấn đề của ông thật đáng khâm phục.