Tiếng cười bế tắc

      Nhiều người cho rằng văn hóa càng khủng hoảng thì tiếng cười càng khởi sắc. Một bài viết mang tên: "diễn hài được mùa" được in trên tờ báo nọ ca ngợi sân khấu hài hiện nay. "Không có nhiều gương mặt mới, nhưng những vai diễn hài trên sân khấu của năm qua đi vào số phận nhân vật, với tiếng cười thâm thúy ".
       Khi mang lên mạng thì một bạn đọc có ngay ý kiến ngược lại.
Bạn này bảo: “Những nghệ sĩ hài có vai hay thì phải có năng lực kiểm soát được tiếng cười không sa vào bậy bạ, dung tục. Chứ nhiều nghệ sĩ hiện nay đang bị dung tục làm ảnh hướng tới sân khấu, nhiều lúc hổng dám dắt con đi xem hài kịch, vì nói bậy quá nhiều; giải Mai vàng cũng nên cân nhắc lại, nếu năm nay không có ai xứng đáng thì khỏi trao, để những nghệ sĩ hài biết nhìn lại chính mình, mời họ qua sân chơi Trái cóc xanh của Tuổi Trẻ Cười để lãnh giải.”
       Tôi không theo dõi sân khấu hài, nhưng thấy có thể chia sẻ ý kiến này. Văn hóa cười không tách rời cái nền văn hóa của một cộng đồng. Khi sinh hoạt nghệ thuật nói chung khủng hoảng, thì bộ phận hài hước trong đó cũng không tránh khỏi méo mó nham nhở. Chán chường vô vị quá không biết làm gì thì rặn ra mà cười. Tiếng cười trong trường hợp này chỉ là một giải thoát giả tạo.
Đây là xu hướng quan sát thấy ở nhiều xã hội khác.
       Trong một số báo Sinh viên Việt Nam 2008, người ta có thể tìm thấy một bài báo nhỏ mang tênTại sao lại cười ? Tôi đã ghi lại một số ý lấy từ bài viết dựa theo New York Times này, vì thấy có một số nhận xét rất thích hợp với tình hình ở ta:
– Thật khó tìm ra tiếng cười có tính trí tuệ. Tại sao vậy? Đi sâu vào thế giới động vật người ta thấy khi bị chọc cù, loài chim phát ra một loại âm thanh lạ và chúng thích nghe lại loại âm thanh này. Nụ cười sinh ra nhờ những kết nối thần kinh sơ khai thúc đẩy những con chuột nhỏ “học cách chơi cùng nhau”. Trong xã hội loài người, nụ cười bắt quen giống như một dấu hiệu thông báo “Tôi muốn sống thân thiện!”. Thế thôi. Nụ cười chẳng qua chỉ là một chất bôi trơn các mối giao tiếp. Khi ở địa vị xã hội thấp người ta luôn luôn cần đồng minh, cho nên sẵn sàng cười trước mọi chuyện.
– Phần lớn nụ cười chẳng liên quan gì đến hài hước. Nó chỉ là một công cụ sinh tồn bản năng của những động vật sống thành bày đàn.
– 80-90% người đời cười sau một câu nhạt nhẽo hoặc những cảnh buồn chán trong TV.
– Người nói thường cười nhiều hơn người nghe, nụ cười dùng ngắt câu, đây là một cơ chế tự nhiên.
–Người ta có thể nhịn cười nhưng ít khi giấu được vẻ gượng gạo khi cười.
– Khi mang một truyện cười khiến một đám sinh viên “rúc rích cười” hoặc “cười lăn cười lộn” kể lại cho một số nhà bác học, họ chẳng cười tí nào!
Tiếng cười cũng phải trở thành một đối tượng cần nghiên cứu.
Trong năm 2011, báo chí đã có loan tin Tuổi trẻ cười được đề cập tới trong luận án tiến sĩ ở Đại học Sorbonne Pháp.
Không biết bao giờ các nhà nghiên cứu VN mới bắt tay vào những việc tương tự.
       Theo thiển ý, sự lan truyền và nẩy nở của tiếng cười trong xã hội Việt hiện đại đang diễn biến theo cả hai hướng, vừa trở về với truyền thống vừa hiện đại hóa .
Hiện đại hóa thì rõ quá rồi, nhưng không phải cái khía cạnh sâu sắc trí tuệ mà nhiều khi là tiếng cười trơ tráo, tàn nhẫn, gần với điên dại.
Còn trở về truyền thống là thế nào ?
       Trong các chương trình phổ thông và đại học nữa có một bộ phận được đề lên rất cao là văn học dân gian, trong đó có thể truyện cười. Nhưng nếu bình tĩnh đọc lại, người ta sẽ thấy ngoài một số trường hợp giữ được tinh thần phê phán đúng mực, phần lớn tiếng cười trong văn học dân gian ở ta là sự bông lơn pha trò để cười, cười gượng, cười nhảm thậm chí vô duyên nữa.
      Trong sự nở rộ chưa từng có, tiếng cười trong đời sống cũng như trên các phương tiện truyền thông hiện nay cũng vậy. Khi khá nhất, nó là thể hiện của tinh thần dân chủ và khát khao hoàn thiện. Nhưng trong tình trạng trì trệ chung của xã hội, nó vẫn không đủ sức tự tìm cho mình con đường phát triển hợp lý. Mà ngược lại, chỉ đủ sức lan ra theo chiều rộng và lẫn vào dễ dãi và bế tắc đã kéo dài trong lịch sử của tiếng cười dân gian.

 Vương Trí Nhàn
Tuổi trẻ cười Xuân Nhâm Thìn 2012