Máy phát điện chạy bằng… nước

      Khi phóng viên SGTT hỏi TS Khê về nhận định của GS Nguyễn Đăng Hưng về việc “phát minh” này, nếu làm nghiêm túc và minh bạch sẽ có cơ hội đoạt giải Nobel, TS Khê trả lời: “Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó. Tôi chỉ mong chế tạo được máy để mọi người dùng nó. Giải thưởng của Nobel chỉ 1,35 triệu USD, còn thị trường có giá trị mấy chục tỷ USD mà. Nếu có giải thưởng Nobel thì tốt”.

      SGTT.VN - Từ 8g30 phút đến 11g 30 phút ngày 9.3.2012, tại ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) diễn ra hội thảo về nghiên cứu khoa học “máy phát điện chạy bằng… nước” của TS Nguyễn Chánh Khê, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và triển khai trực thuộc SHTP. GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, TS Lê Hoài Quốc – trưởng ban quản lý SHTP chủ trì hội thảo khoa học trên. 
Nước trong bình lập tức sôi lên, sau đó đèn điện có công suất 50W bật sáng. TS Khê cũng thừa nhận rằng, không biết vì sao có phản ứng như vậy khi đổ "hoạt chất bí mật" vào nước!

1. Theo đánh giá các nhà khoa học, hội thảo diễn ra trong không khí tranh luận sôi nổi xoay quanh hai vấn đề. Thứ nhất, việc hoạt chất tham gia vào nước để giải phóng hydro gọi là chất xúc tác hay là chất khử? Thứ hai, đó là hoạt chất gì?

Ở vấn đề thứ nhất, theo GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng - chuyên gia nghiên cứu về vật lý hàng không không gian, nếu là chất khử, quy trình trên không phải là phát minh mới của TS Nguyễn Chánh Khê vì quy trình trên đã được nghiên cứu trên thế giới từ lâu. Còn nếu là chất xúc tác, phát minh của TS Khê, sau khi nghiên cứu hoàn chỉnh và công bố một cách nghiêm túc, sẽ có cơ hội… nhận được giải thưởng Nobel! Đại diện của ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, không thể gọi là chất xúc tác mà là chất khử hoặc là chất trữ năng lượng. Theo GS Hưng, tại hội thảo, sau khi được các nhà khoa học góp ý, TS Khê đã thay đổi tên gọi về vai trò của chất được đổ vào trong bình nước. Tại buổi công bố “phát minh” (chữ dùng của TS Khê), TS Khê đã gọi đó là chất xúc tác. Còn tại buổi hội thảo, TS Khê gọi là “chất khử”.

Về vấn đề thứ hai, hoạt chất đó là hoạt chất gì, TS Khê từ chối tiết lộ bằng một câu nói: “Tôi cũng không biết vì sao có phản ứng như vậy khi đổ chúng (hoạt chất do TS Khê nghiên cứu) vào nước”. Phát biểu này của TS Khê đã làm nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo cho rằng đó là một phát biểu không nghiêm túc. “TS Khê có quyền từ chối công bố chất đó là chất gì, cấu tạo như thế nào, thành phần ra sao… nhưng trước giới khoa học tại một hội thảo khoa học, tôi không đồng tình khi TS Khê lại nói như vậy”, TS Hưng nhận xét.

2. Sau khi hội thảo kết thúc (vào lúc 11g30), TS Khê đã mời các nhà khoa học tận mắt chứng kiến phát minh của ông mà trước đó họ chỉ đọc về công trình này trên các tờ báo xã hội (đã đăng công bố phát minh này vào ngày 14.1.2012).

Nhân viên của TS Khê đổ nước, sau đó đổ chất bột màu xám vào bình. Nước trong bình lập tức sôi lên, sau đó đèn điện có công suất 50W bật sáng. Nhiều nhà khoa học bàn tán về hoạt chất làm cho nước sôi. Một nhà khoa học cho rằng, quan trọng chất màu xám là chất gì vì hiện tượng làm nước sôi không là chuyện lạ nhưng lại đủ năng lượng để tách hydro ra khỏi nước. Nhiều nhà khoa học thắc mắc, lượng nước sau khi có sự tham gia của hydro và oxy sẽ đi đâu? TS Khê cho biết, lượng nước đó rất nhỏ, sẽ được quạt thổi ra ngoài.

Sau khi xem mô hình với công suất thấp, TS Khê tiếp tục mời các nhà khoa học tham quan sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của ông. Nhiều nhà khoa học đã mở máy để xem cấu trúc bên trong. Có lẽ, sau khi đã thỏa mãn khi nghe TS Khê thừa nhận là chất khử thay vì gọi là chất xúc tác, nhiều nhà khoa học chỉ trầm trồ hoặc bình phẩm nhẹ nhàng. TS Khê vẫn bảo lưu ý kiến khi cho rằng, tháng 6 tới “cố gắng có sản phẩm bán trên thị trường”, không tiết lộ giá thành và các đối tác tham gia sản xuất.

Gia Vinh