Người Việt uống bia nhiều nhất Đông Nam Á
Theo thống kê của Euromonitor International, người Việt Nam uống bia nhiều nhất Đông Nam Á, khoảng 2,6 tỷ lít bia trong năm 2011, vượt xa hai nước đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan và Philippines. Ngược lại, Myanmar là quốc gia tiêu thụ bia ít nhất trong khu vực là Myanmar, chỉ 30,4 triệu lít.
Bộ phận điều tra nghiên cứu của Kirin Holdings, công ty bia lớn và nổi tiếng tại Nhật Bản, đã làm một cuộc khảo sát đầu năm nay rằng, trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách, lượng tiêu thụ bia tăng đáng kể nhất là ở các nước Nigeria (tăng 17,2%), Ấn Độ (tăng 17%), Brazil (tăng 16%) và Việt Nam (15%).
Năm 2010, Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International đánh giá thị trường bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Năm 2009, Việt Nam tiêu thụ 1,6 tỷ lít bia, tăng tới 56% so với năm 2004.
53% người Việt quan hệ tình dục không vì sex
Theo công bố mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) về nghiên cứu sức khỏe gia đình Việt Nam được tiến hành khảo sát trên 5.300 người (bao gồm hơn 2.400 nam và 2.900 nữ) trong độ tuổi từ 18-65 trên 8 tỉnh và 3 thành phố, thì điều đáng lưu ý rằng, nhiều người dân Việt Nam quan hệ tình dục (QHTD) không vì “tình dục” mà để sinh con (hơn 53%). Có đến 30% nữ và 22% nam coi tình dục (TD) là để duy trì tình cảm vợ chồng, 10% nữ và 6% nam coi QHTD là trách nhiệm vợ chồng, còn lại là các lý do văn hóa, cân bằng sức khỏe, giảm cân… Và chỉ có 11% nam và 4% nữ cho rằng QHTD để có khoái cảm.
Người dân cũng tỏ ý cực lực phản đối TD trước hôn nhân (75% nam và 85,5% nữ cho rằng hoàn toàn sai) và ngoại tình (96,2% nam và 99% nữ phản đối). Cũng có sự “phân khúc” giữa người trẻ và người già. Người trẻ và có học vấn cao hơn thì có thái độ khoan dung hơn đối với TD trước hôn nhân và ngoại tình. Đối với bạn tình ngẫu nhiên (tình một đêm) cũng có hơn 88% đàn ông và 95% phụ nữ phản đối. Hơn 93% cả nam nữ đều cho rằng tình dục đồng giới là sai trái. Đặc biệt, 84% cho rằng trinh tiết của người vợ và 70% của người chồng khi kết hôn là rất quan trọng...
Người Việt mua ô tô đắt đỏ nhất thế giới
Tại cuộc hội thảo "Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển ngành công nghiệp và thị trường ô tô Việt Nam" vừa được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm ô tô Việt Nam 2012, Tổng giám đốc hãng xe hơi Porsche Việt Nam, ông Andreas Klingler cho rằng giá ô tô ở Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới.
Theo ông Andreas Klingler, trong khi cơ sở hạ tầng được cải thiện rất chậm, có vẻ như giải pháp duy nhất để bảo đảm lưu lượng giao thông vừa phải trên đường phố Hà Nội và TP. HCM là giảm bớt lượng ô tô cá nhân và lưu thông của phương tiện này. Các chính sách về thuế và phí cao đang thể hiện điều đó. Việc duy trì xe hơi ở một giá cao “nhân tạo” làm cho ngày càng có ít người mơ tới sở hữu một chiếc xe hơi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc hãng xe hơi Porsche VN và là Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, không ở đâu giống như ở Việt Nam, thu nhập đầu người còn khiêm tốn nhưng giá một chiếc ô tô lại đắt gấp 3 lần so với thế giới. Người tiêu dùng phải gánh nhiều loại phí và thuế như lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu xe nguên chiếc, thuế VAT... làm cho giá thành đội lên tới 3 lần. Cùng một khoản tiền, ở ta mua được 1 chiếc xe, ở nước ngoài mua được 2 đến 3 chiếc. Chưa kể, chi phí để nuôi ô tô ở Việt Nam cũng rất cao so với thế giới…
Việt Nam sở hữu những đoạn đường đắt nhất hành tinh
Nhiều chuyên gia cầu đường cho rằng, suất đầu tư các dự án đường cao tốc ở VN bình quân cao hơn 1,5-2 lần so với các nước xung quanh như: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là đường cao tốc đúng chuẩn đầu tiên của VN có chi phí 9,9 triệu USD/km cho bốn làn xe cơ giới. Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang được xây dựng dự kiến chi phí cũng lên tới 18,3 triệu USD/km. Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có chi phí xây dựng dự kiến lên tới 28,2 triệu USD/km. Trong khi đó, số liệu thống kê chi phí xây dựng đường cao tốc tại Trung Quốc chỉ khoảng 6 triệu USD/km, tại Mỹ chỉ khoảng 8 triệu USD/km.
Không dừng ở đó, thống kê trước đây cho thấy, Việt Nam cũng sở hữu những đoạn đường đắt nhất hành tinh. Một km đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa giá 45 triệu USD tương đương gần 100.000 cây vàng thời điểm đó, trong khi giá xây dựng 1 km đường tàu điện ngầm chỉ vào khoảng 34 triệu USD. Trong thực tế, giá trị xây lắp 1.080 m đường chỉ hết 100 tỷ đồng, còn số tiền giải phóng mặt bằng lên đến 600 tỷ đồng.
Năm 2002, việc Hà Nội chi 113 tỷ đồng cho 550m đường đoạn Voi Phục - Cầu Giấy đã trở thành sự kiện gây chấn động. Giá xây lắp hơn nửa cây số đường này chỉ hết gần 1 triệu đô la (khoảng 13 tỷ đồng), trong khi đó giá đền bù GPMB của dự án hết 7 triệu đô la (100 tỷ đồng).
Người Việt mua đứt thị trấn nhỏ nhất của Mỹ
Doanh nhân Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP HCM, đã "mua đứt" vùng đất Buford, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, với giá 900.000 USD, trong một cuộc đấu giá nghẹt thở 11 phút.
Là thị trấn lâu đời thứ hai tại Wyoming, Buford nằm trên tuyến đường Interstate 80, tuyến đường chính từ New York tới San Francisco. Thị trấn nằm giữa Laramie và Cheyenne ở độ cao 2.438 m; có chỉ số bưu điện riêng, một tháp bắt sóng di động và khoảng 4 ha đất với hàng rào xung quanh.
Don Sammons, chủ cũ của Buford và là công dân duy nhất tại đây, ra giá khởi điểm là 100.000 USD. Một vài năm trước khi con trai ông chuyển đi, ông Sammons đã trở thành người duy nhất sinh sống tại đây. Như vậy, tới nay, vị doanh nhân Việt này sở hữu một trường học, một trạm xăng, một căn nhà ba phòng ngủ cùng cabin và một nhà kho nằm trong đất của thị trấn.
Kienthuc.net - An Đông (tổng hợp)