Thiền ...


Nếu ai đi phố Tàu ở Mỹ cũng đều thấy tượng của một vị mập mạp mang một túi vải. Những khách buôn người Hoa gọi là Ông Tầu vui vẻ hay Ông Phật cười. Thực ra ông này tên là Bố Đại, sống ở thời nhà Đường. Ông chẳng muốn tự gọi mình là thiền sư hoặc đi kết nạp môn đồ.

Ông rảo khắp phố phường, vai mang một cái túi vải lớn trong đó chứa đủ thứ kẹo, bánh, trái cây người ta cúng biếu, rồi ông lại phát cho lũ trẻ hay chạy theo ông vui đùa. Ông đã tạo nên một nhà trẻ giửa phố. Khi nào ông gặp một kẽ mộ đạo, ông ngữa tay xin: "Cho tôi một hào." Và nếu có ai bảo ông trở về chùa mà thuyết pháp, ông lại trả lời: "Cho tôi một hào."

Một hôm đang vui chơi với đám trẻ, tình cờ có một thiền sư đi qua, dừng lại hỏi: "Thế nào là ý nghĩa của Thiền?"
Lập tức, Bố Đại yên lặng bỏ túi vải nặng nề xuống đất.
Vị thiền sư kia hỏi tiếp: "Thế thì, cái thực dụng của Thiền là gì?" Nhanh chóng, Ông Tầu vui vẻ vác cái bị lên vai và tiếp tục đi.
  



 Không xa cõi Phật

Một sinh viên đại học đến thăm vị thiền sư và hỏi: "Có bao giờ ngài đọc Thánh kinh không?"

"Không, hãy đọc cho ta nghe," thiền sư bảo.

Người sinh viên mở cuốn Thánh kinh và đọc một đoạn ở phần Thánh Ma-thi-ơ (Matthew): "Còn về đồ mặc, sao các ngươi lo lắng làm chi? Hãy gẫm xem hoa huệ ngoài đồng lớn lên thế nào: chẳng lao khổ, chẳng kéo chỉ, nhưng ta nói cùng các ngươi, dẫu Sa-lô-môn vinh hiển cả thể, cũng không mặc được bằng một trong những hoa ấy... Vậy nên, chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai." Thiền sư bảo: "Ai đã nói được những lời đó, ta cho là kẽ giác ngộ."

Người sinh viên đọc tiếp: "Hãy xin, sẽ cho, hãy tìm, sẽ gặp; hãy gỏ, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gỏ thì được mở cho."

  Thiền sư nhận xét: "Thật tuyệt. Ai nói điều ấy không xa cõi Phật là bao."