Sự gian dối không của riêng ai
Hàng xấu bảo hàng tốt; rau có phun thuốc sâu bảo là rau sạch; cơ quan làm ăn kém cỏi vẫn được khen là có nhiều thành tích; đời sống khó khăn bảo là đời sống được cải thiện; xử án thiên vị bảo là xét xử công bằng; coi dân như rác bảo là tôn trọng ý dân: Hàng ngày có biết bao nhiêu chuyện mà người ta chỉ có cách khái quát gọn lại trong hai chữ gian dối. Chúng ta đang nói nhiều tới sự tham nhũng, nhưng trong hành động tội ác này ít ra có chứa hai nội dung nữa: ăn cắp và gian dối. Cả hai liên quan dến tiền bạc và quyền lực , nhưng về lâu về dài liên quan đến đạo đức và lối sống, tức liên quan đến văn hóa. Nguyễn Công Hoan từng có một truyện ngắn mang tên Tôi chủ báo, anh chủ báo, nó chủ báo. Ở đây nhà văn mượn cách chia của động từ trong tiếng Pháp, chỉ cốt để nói tới tình trạng phổ biến của hành động. Một anh bạn tôi, khi nói về sự tràn ngập của thói gian dối, cũng thử nhại theo: Tôi gian dối, anh gian dối, nó gian dối. Người muốn gian dối mong có người khác làm trước để mình tin tưởng làm theo. Người đã gian dối nhiều lần mong hàng ngũ gian dối của mình được bổ sung ngày một đông đảo để mọi việc trót lọt. Tôi tin nhiều đứa trẻ hiện nay đi học cóp bài vì nó thừa biết rằng cha mẹ nó cũng đang sống trên sự gian dối, cụ thể là tấm bằng bố mẹ nó có trong nhà cũng toàn là hàng rởm hàng đi mua để lừa thiên hạ . Nhưng không bao giờ như những ngày này khi cả xã hội rùng rùng chuyển động cùng các cuộc thi cử thì sự gian dối cũng được dịp bùng nổ. Chưa thi đã lộ đầu bài. Mua bán phao bị ngăn cấm vẫn diễn ra hàng ngày. Ở địa phương nọ địa phương kia gian lận thả cửa. Có nơi học sinh thoải mái lấy sách ra mà chép… Kiểm lại trong cái vũ điệu gian dối này có đủ loại người: Học sinh và cha mẹ học sinh. Thầy giáo và nhà trường. Một số phòng. Một số ty sở. Sau khi các vụ sai phạm bị phát hiện, người ta hứa ngay là sẽ xử lý nghiêm, sau đó lại viện đủ cớ để lờ đi cho nhau. Như thế mà không gọi là gian dối thì còn gì nữa? Từ lâu tôi đã nghe nói là các bằng cấp nước mình cấp cho nhau bị nhiều nước khác từ chối không công nhận. Thoạt đầu nghe cũng thấy tức, sao họ khinh bỉ mình vậy. Đến lúc có thời gian tiếp xúc trong công việc mới thấy là họ có lý, và trong bụng không khỏi cảm thấy có chút xót xa, kể cả thấy nhục. Giờ đây, người nước ngoài đến ta đầu tư làm việc du lịch nghỉ ngơi ngày càng đông, mọi việc diễn ra ngay trước mắt họ. Điều gì sẽ đến trong tâm trí khi đọc báo thấy một kỳ thi của chúng ta cũng đầy bê bối như thế này? Họ sẽ nghĩ sao mỗi khi phải cộng tác với người Việt ?
Thứ Sáu, 09/06/2006 (Báo Nông thôn ngày nay)