Tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường Đại học Kiến trúc Matxcơva danh tiếng. Nhiều người cho rằng bà bị “điên” bởi những ý nghĩ kỳ quái. Và ngay cả ngôi nhà độc nhất vô nhị ở Việt Nam - là công trình kiến trúc tâm huyết nhất của đời bà - cũng bị gán cho cái tên “Crazy house” - ngôi nhà điên. Bà là tiến sĩ, kiến trúc sư Đặng Việt Nga, chủ nhân của công trình kiến trúc độc đáo, gây nhiều tranh cãi suốt gần 20 năm qua.
Ngôi nhà có khuôn viên rộng gần 1.600 m2 nằm tọa lạc ở số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, P.4, TP Đà Lạt, được đặt với rất nhiều tên gọi khác nhau như: “Biệt thự Hằng Nga”, “Ngôi nhà kỳ dị”, “Lâu đài mạng nhện”, “Crazy house”.
Công trình này đã gây tranh cãi trong giới kiến trúc cũng như sự chú ý đặc biệt của du khách trong suốt 18 năm qua. Nó không theo trường phái kiến trúc nào, hoàn toàn tự do như chính chủ nhân của nó.
Trông ngôi nhà như những gốc cây, hang động giữa rừng già nhưng bên trong lại có những căn phòng đủ tiện nghi như một khách sạn hạng sang. Những ô cửa lồi, lõm, những góc cạnh, đường cong uốn lượn, những hình thù kỳ lạ... Chính những điều kỳ lạ ấy hấp dẫn du khách.
Cội nguồn của Crazy house
Rời thủ đô Hà Nội, bà đến với phố núi Đà Lạt thơ mộng năm 1983. Là người yêu thiên nhiên, thích tự do, vì vậy, xuyên suốt trong phong cách kiến trúc của bà là sự tự do, khoáng đạt, không bó hẹp trong bất kỳ khuôn mẫu sẵn có nào.
Sự thơ mộng và hoang dại của Đà Lạt đã cho bà những ý tưởng độc đáo: “Kiến trúc phải gần gũi với thiên nhiên, con người phải sống giữa tiếng chim rừng và muông thú và khi đó, họ sẽ thấy gần nhau, cần đến nhau hơn”.
Mỗi công trình kiến trúc của bà đều mang một ý nghĩa rất riêng. Nếu Cung Thiếu nhi Đà Lạt hình thành từ ý tưởng như một rừng măng nhô lên, ôm ấp khát vọng trẻ thơ thì khu nhà nghỉ Công đoàn là sự phối hợp giữa lối kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên và kiến trúc cổ điển Pháp.
Rồi nhà thờ Liên Khương (Đức Trọng) hay trụ sở mới của Bộ VHTT..., tất cả đều có những nét riêng độc đáo. Tuy nhiên, hình như tất cả những công trình ấy, chẳng ai để cho bà thực hiện trọn vẹn vì không ai chịu hiểu bà! Vì vậy họ cứ sửa và thay đổi thiết kế khiến cho công trình không còn là của bà nữa. Bà phân trần: “Sáng tạo độc đáo thì cứ bị phê bình là rắc rối”. Bà buồn. Và cũng chính vì lẽ đó, bà quyết định làm một cái gì đó cho riêng mình, theo ý mình. Thế là Crazy house ra đời.
Bà bảo, ban đầu bà cũng chưa có cái ý nghĩ làm Crazy house đâu nhưng chính sự hoang dã của Đà Lạt đã cho bà nguồn cảm hứng đó. Bà muốn đưa con người trở về với thiên nhiên, bởi loài người đã tàn phá thiên nhiên quá nhiều, quá tàn bạo và hiện nay đang bị trả giá.
Bà muốn ngôi nhà của mình là một khu rừng rậm, trong đó có hoa, lá, cỏ, cây, chim và muông thú. Và thế là tháng 2-1990 công trình của bà chính thức được khởi công xây dựng.
Crazy house đã quá nổi tiếng và đầy tranh cãi suốt 18 năm qua ở Đà Lạt. Có rất nhiều người không đồng tình, trong đó có cả những đồng nghiệp của bà. Nhưng bà vẫn bình thản: “Tôi không trách những người không hiểu mình”.
Bà quan niệm rằng nếu mình làm theo cái cũ, cái đã sẵn có, đã được ước lệ bằng khuôn mẫu thì không thể coi là độc đáo. “Tôi làm những cái chưa ai làm trên thế giới này không có nghĩa là tôi lập dị” - bà bộc bạch.
Khát vọng khác người
Crazy house được chủ nhân xây dựng trong hoàn cảnh “tay không bắt giặc”. Quả thực lúc đó bà không có tài sản, trong gia đình không có bóng dáng của một người đàn ông. Một mình bà lầm lũi đi gõ cửa vay tiền ở các ngân hàng. Có nơi thẳng thừng từ chối, cũng có nơi cho vay nhỏ giọt mỗi lần vài ba triệu đồng.
Thế nhưng khi món nợ ngân hàng lên đến 30 triệu đồng với lãi suất kinh khủng là 10% ở thời điểm lúc đó thì chẳng ai chịu giúp bà nữa. Rất có thể bà sẽ phải vào tù nếu không có tiền trả nợ ngân hàng. Nhiều lúc bà tưởng mình kiệt sức.
Thế rồi từ gợi ý của bạn bè, người quen về tính độc đáo của công trình kiến trúc này, cuối năm 1990, bà bắt đầu bán vé tham quan với giá 200 đồng/vé (bây giờ là 10.000 đồng/vé). Rồi bà cũng qua được cơn bĩ cực từ sự giúp đỡ của gia đình và một vài người bạn.
Hiện Crazy house có 10 phòng nằm trong lòng những gốc cây để cho du khách lưu trú. Bà lấy tên những loài thú hoang dã để đặt tên cho từng phòng như: phòng cọp, phòng kiến, phòng gấu, phòng đại bàng đất, phòng kangaroo... với giá thuê cũng khá cao: 290.000 - 630.000 đồng/phòng/đêm đối với người Việt và 29 - 63 USD/phòng cho du khách nước ngoài.
Khi du khách ngoại quốc đến đây, họ hết sức thích thú và ngạc nhiên về phong cách kiến trúc của ngôi nhà. Bà bảo rằng họ đi du lịch, tham quan là khám phá cái mới, cái lạ. Đối với ngôi nhà này, họ đánh giá rằng “là kiến trúc nhưng lại không có hình thù của ngôi nhà, nó cứ nhằng nhịt với nhau như những gốc cây lớn có nhiều cành mà vào bên trong lại có thể sử dụng như một khách sạn... Họ bảo, chưa ở đâu trên thế giới làm như thế này cả, vì vậy, họ mới đến đây.
Khi bước chân vào Crazy house, ta như lạc vào mê cung đầy bí hiểm. Tôi đã hỏi chủ nhân ngôi nhà về cái sự “điên” mà thiên hạ gán cho ngôi nhà cũng như chủ nhân của nó, bà cười: Với con mắt của người bình thường và hàng xóm, thì họ đánh giá tôi là người lập dị, có suy nghĩ “không bình thường”. Họ bảo: “Có mà điên mới làm những việc éo le như thế”.
Thế nhưng, bà không hề cảm thấy khó chịu khi ai đó bảo rằng bà cùng ngôi nhà này là “điên”, bởi “khi họ chưa hiểu mình thì họ gọi mình là điên cũng phải” – bà Nga nói. Rồi bà tiếp tục kể: “Khách tham quan đến đây họ thốt lên: “Cái bà điên! Cái bà điên! Cái kiến trúc điên!”. Vì vậy, hễ có ai hỏi “Crazy house” là họ sẽ chỉ đến đây. Lâu dần khách Tây cũng quen với cách gọi “Crazy house” hay “cái bà điên”!
“Điên” và không “điên”
Tôi tin bà không hề “điên” mà là người hoàn toàn bình thường. Bà có vẻ đẹp và ăn mặc sang trọng như một công nương phương Tây của thế kỷ 18, đôi mắt tinh anh và cái nhìn đôn hậu.
Bà chính là con gái của nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh. Bà giản dị, cởi mở và rất lịch thiệp trong giao tiếp. Tôi tin bà không “điên” bởi mới đây, chính quyền Lâm Đồng đã chính thức trao cho bà quyết định thừa nhận công trình này và coi nó là một công trình kiến trúc có tính nghệ thuật.
Vậy là 18 năm đấu tranh cho “cái tôi”, cho nghệ thuật, bà đã được cơ quan công quyền thừa nhận.
Bà bảo: “18 năm với 6 lần nộp hồ sơ cũng trần ai và đầy nước mắt”. Bà đã phải hứng chịu đủ cả từ những lời khuyên, dọa nạt đến “khủng bố tinh thần”, để mong bà rũ bỏ cái ý định xây dựng ngôi nhà này. Đã có ai đó từng nói với bà rằng: “Nếu chị còn nghĩ đến gia đình, nghĩ đến mình thì nên dẹp bỏ cái công trình này, bởi nó sẽ không bao giờ được thừa nhận, sẽ không bao giờ có giấy phép đâu...”.
Thế nhưng bà không bỏ cuộc, vẫn kiên trì, bởi bà có niềm tin. Bà bảo rằng: “Ngay cả quyết định thừa nhận về công trình kiến trúc này cũng đặc biệt như công trình của nó với tên gọi “quyền sở hữu công trình”, vì đây là lần đầu tiên ở TP này, có một ngôi nhà dân được cấp giấy “quyền sở hữu công trình”!
Cuộc sống của bà bây giờ rất bận rộn, từ mờ sáng cho tới đêm khuya. Ngay cả cuộc trò chuyện giữa tôi và bà cũng bị ngắt quãng nhiều lần vì du khách tìm bà, bạn bè tìm bà để chụp hình lưu niệm và tìm hiểu về công trình. Cái chuỗi ngày cô đơn, mà bà phải cam chịu gần 20 năm trời đã qua.
Giờ đây, bà không còn thời gian để dành cho nỗi buồn. Bà thực sự thanh thản khi xã hội thừa nhận: Bà không “điên” và ngôi nhà này không “điên”...
Theo Vietbao.vn