Ngược dòng lịch sử, chúng ta sẽ thấy những người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Đà Lạt khá sớm. Họ có mặt từ những năm 1920 khi người Pháp tuyển mộ phu làm đường quốc lộ 1, 11, 20 và làm đường xe lửa Tháp Chàm - Đà Lạt.
Tuy nhiên, kể từ khi sở trà Cầu Đất được thành lập (năm 1927) thì những người dân gốc Nam, Ngãi, Bình, Phú mới thực sự di dân vào Đà Lạt ồ ạt và đông nhất. Phần lớn trong số họ đến đây để làm thuê cho các chủ đồn điền người Pháp và tranh thủ khai hoang lập vườn trồng rau. Dân Nam, Ngãi, Bình, Phú tập trung đông nhất ở Trại Hầm, Tân Lạc, Xuân Thọ, Trại Mát, Xuân Trường. Năm 1929, làng Trường Xuân được thành lập. Từ năm 1936 đến năm 1940, làn sóng người dân Nam, Ngãi, Bình, Phú nhập cư vào thành phố ngày một đông do điều kiện làm ăn ở quê nhà quá vất vả, khó khăn. Họ rủ nhau vào Đà Lạt lập nghiệp và tập trung khá đông ở các khu như Nam Hồ, Nguyễn Siêu sinh sống bằng nghề làm vườn.
Sau năm 1954, những người dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi kéo vào Đà Lạt ngày một đông hơn. Trong số đó có một số cán bộ do bị lộ hoặc do yêu cầu công tác để tránh sự bắt bớ của chế độ Sài Gòn nên phải tìm đường vào Đà Lạt để làm thuê và hoạt động. Họ mang theo cả gia đình, vợ con vào thành phố lập nghiệp và ở rải rác khắp nơi trong Đà Lạt từ các đường: Cao Bá Quát, Đinh Công Tráng, Bạch Đằng, Cao Thắng, Nguyễn Siêu đến Cầu Đất, Xuân Thọ, Sào Nam, Thái Phiên, Đa Lợi, Xuân Thành, Trại Mát, Đa Thiện..
Khác với người Bắc và người Huế, người Nam, Ngãi, Bình, Phú vào Đà Lạt không nhận được một ân huệ, chiếu cố nào của chính quyền lúc bấy giờ mà họ phải tự lực cánh sinh, xây dựng cuộc sống trên quê hương mới.