Thế là Nguyễn Trường Tộ đã nằm dưới mộ ngót 15 thập kỷ. Nhưng với những người như ông thật đúng “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Chẳng thể yên tâm để lên thiên đàng hay cực lạc, hồn ông như vấn quẩn quanh cùng Đất Nước, vẫn canh cánh một nỗi niềm dân tộc, một nỗi đau nghèo nàn, một nỗi nhục lạc hậu. Đứng trước mộ ông, nghiêng mình thắp nén hương lòng tưởng niệm, cứ cảm thấy như hiền hiện đâu đây cái hình ảnh ông nằm ốm liệt giường, một ngửa lên trời mà ngọn bút lông vẫn viết đều trên những bản điều trần.
Nguyễn Trường Tộ đã đem gương Trung Quốc và Nhật Bản cho vua quan triều Nguyễn soi nhưng họ đều nhắm mắt làm ngơ. Về Trung Quốc, ông nói:
‘Đến nay, họ (tức Trung Quốc) lại thuê mướn nhiều người phương Tây, lập xưởng chế tạo khí cụ và làm đại sứ. Họ còn sai nhiều sứ thần giao thông với các nước lớn để bủa kế liên hoành. Tất cả những việc họ làm, người phương Tây trông thấy đều nguội lòng. Thử xem từ triều Minh về trước, nước ấy hãy còn bế quan tỏa cảng mà nay được khí thế như vậy là đều nhờ lợi ích của việc ngoại giao cả. Chẳng biết do đâu mà triều đình nhà Thanh lại hết lòng tin dùng người phương Tây như thế. Sự thật không thể hiểu được. Nước ta xưa nay mọi việc đều bắt chước Trung Quốc mà chỉ có một kế hoạch lớn là giao thông với cường quốc là ta không nghe theo, có phải toan lập được một mưu kế kỳ diệu riêng hơn hẳn Trung Quốc một bậc chăng?”
Về Nhật Bản
“Lại nhìn xem Nhật Bản xưa vốn là lũ người lùn, từ Trung Diệp nhà Minh mới bắt đầu giao hảo với Hà Lan, làm bạn với Bồ Đào Nha, kế đến mời Hợp Chủng Quốc giúp vào việc nước, mở mắt nhìn rộng rãi, thiên hạ mới có được chí hướng lớn như vậy. Từ đó họ đóng tàu bè, luyện tập võ bị, ưu tiên phát triển thương nghiệp, công nghiệp, đất nước mỗi ngày một mạnh, được khen với mỹ danh là Tiểu Tây và Trung Quốc khó bắt được Nhật Bản phải thần phục. Tuy gần đây Anh, Pháp thường hay quấy nhiễu nhưng nhờ có nền nội trị ngoại giao vững vàng mà họ không chịu hạ mình. Như trước đây 3 năm, Anh Pháp đem binh thuyền đến toan đàn áp, nhưng nhờ có Hợp Chủng Quốc, Hà Lan phân giải nên việc đã không xảy ra. Đó không phải là công dụng của sự giúp đỡ của các nước hay sao? Còn như ngày nay, nước ấy có những kế hoạch giao thiệp rộng rãi, những mưu cơ tân tiến thì đâu đâu người ta đã nghe thấy rõ ràng, gương ấy không xa, không cần phải nêu ra nữa”