Thương quá hương cau

thuở học trò...
Lũ trẻ thơ dạt ra hai bên cho xe chạy. Nắng bây giờ hết gay gắt, nhưng vẫn còn sáng loáng trên những tấm lưng trần. Tiếng hát bé bỏng xa dần. Em bây giờ lại trở về thành thị để tiếp tục bài vở, thi cử. Tự nhiên thấy quyến luyến đám trẻ nhỏ và những người tị nạn hiền lành, chịu đựng. Tự nhiên thấy không muốn xa những dãy trại tạm cư nóng hầm, những con đường đất nứt nẻ hực hơi nắng. Bây giờ lại thấy những cảnh vật ban sáng. A, nhưng mà hình như có mùi gì thơm nhẹ trong gió. Mùi hương cau! Em muốn reo lên và muốn chạy xuống để đi tìm vườn cau nào thơm quá! Lúc này những ước mơ như đang lớn lên trong lòng em thật mãnh liệt. Ôi thương quá đất nước em đẹp đẽ hiền lành thế này đây, sao không mấy ai thương yêu ngọn cau, tàu chuối? Sao không mấy ai vun bồi luống đất, bờ đê?
Lại đi ngang cây cầu hồi sáng. Em nghe tiếng ván kêu lộp cộp dưới bánh xe như chào hỏi. Người lính đứng trên cầu quay lại nhìn chiếc xe bằng ánh mắt cũ, rồi nhìn xuống dòng sông. Lại một ngày như bao ngày anh đứng gác trên cây cầu buồn thiu. Anh ơi, hy vọng lên nhé! Rồi sẽ có một ngày anh không phải gác một mình trên cầu nữa. Anh sẽ được về nhà sống với cha mẹ, vợ con. Em bỗng nhiên tưởng tượng một ngày sẽ tới, đường quê tấp nập người người trở về mái nhà cũ, gầy dựng lại cơ nghiệp. Sẽ không còn những trại tạm cư. Sẽ không còn những cuộn kẽm gai chắn đường cây trái mọc. Bác gì đó sẽ gặp lại con trai. Rô-be được mặc áo, hết đen như xì dầu. Em bé cụt hai ngón tay sẽ trở thành họa sĩ với bàn tay trái vẽ vời quê hương, hay sẽ trở thành một nhà bác học. Những người vợ chung thủy sẽ dìu nạng cho người chồng thương binh đến trường tiếp tục việc học dở dang. Ôi thương quá, ngày thanh bình trên quê hương em, chắc sẽ vui vô cùng!..


Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh 1972