Công nghiệp cơ khí

Công nghiệp cơ khí Việt Nam: Tê cơ, nhụt khí
Được coi là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng đến nay, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam vẫn loay hoay tìm lối đi... trong nước.

- Mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng sản phẩm, thiết bị cơ khí với kim ngạch 10-18 tỷ USD.
- Hiệp hội Cơ khí liệt kê, tính tới nay, ước có tới 20 nhà máy nhiệt điện đều rơi vào tay nhà thầu nước láng giềng, các dự án xi măng, hóa chất, khoáng sản cũng tương tự.
Khóa chân cơ khí nội

DN VN chỉ dành 0,2 - 0,3% doanh thu để nghiên cứu phát triển sản phẩm
Tập đoàn Doosan đầu tư 300 triệu USD ở Dung Quất sản xuất thiết bị lò hơi và cầu trục. Công ty xuất khẩu đi khắp nơi rồi mà chỉ mới bán được 2 cái ở Việt Nam.
Một phần nguyên nhân được đại diện Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh, đơn vị duy nhất đã sản xuất được máy biến áp 500kV chia sẻ: “Ở những dự án của ngành điện sử dụng vốn vay nước ngoài, công ty không được tham gia đấu thầu.

Thậm chí, ở nhiều dự án, giá sản phẩm của chúng tôi chỉ bằng 80% giá của các đối thủ quốc tế như Ấn Độ, Trung Quốc nhưng vẫn không được xét trúng thầu”.
Nhiều doanh nghiệp (DN) cơ khí tư nhân khác cũng chịu cảnh ế ẩm tương tự nếu muốn bán hàng cho chủ đầu tư trong nước. Theo ông Đỗ Phước Tống, Phó chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, việc áp thuế 0% đối với mặt hàng máy móc cơ khí nhập khẩu nguyên chiếc có khác nào khuyến khích vấn đề gia tăng nhập khẩu. Trong khi các thiết bị linh kiện, máy móc lại bị đánh thuế khá cao.

Điều này chưa thật sự công bằng đối ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam, cũng như khó có thể lấp đầy “lỗ hổng” của thị trường đối với lĩnh vực này. Và đây chính là nguyên nhân kìm chân ngành công nghiệp cơ khí dừng lại ở trình độ gia công, lắp ráp hoặc chế tạo các thiết bị, máy móc cỡ nhỏ, giá trị gia tăng rất thấp.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cho biết, DN các nước lân cận như Ấn Độ, Hàn Quốc chấp nhận chi trả từ 5 - 10% doanh thu cho công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhưng Việt Nam chỉ dành khoảng từ 0,2 - 0,3% doanh thu.
Mức chênh lệch bình quân gần 20 lần giữa DN các nước và Việt Nam đã lý giải vì sao các đơn vị tư vấn thiết kế của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về tư vấn, thiết kế của các công trình công nghiệp với quy mô lớn và có tính chất phức tạp.

Trung bình Việt Nam đầu tư 90 tỷ USD các dự án điện từ nay tới năm 2030 thì trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng sản xuất cung cấp được 30% khối lượng công việc của tổng dự án, khoảng 27 tỷ USD. Đương nhiên, nhập siêu sẽ giảm 1,4 tỷ USD/năm.

Đấu thầu chỉ có thua
Bên cạnh đó, việc đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, khép kín trong các DN, đặc biệt là tình trạng khó hợp tác giữa các tập đoàn và tổng công ty lớn, đẩy mức chi phí cho sản xuất sản phẩm tăng cao, gây khó cạnh tranh.
Mặc dù năng lực của các DN cơ khí trong nước đã được kiểm chứng là khá tốt. Đơn cử là trường hợp giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Hiệp hội Cơ khí sau hai năm hợp tác đã chế tạo thành công một giàn khoan chất lượng cao và hạ thủy đúng thiết kế với yêu cầu mà chủ đầu tư đưa ra.

Một thực tế cần phải nhìn nhận là hầu hết các dự án trong nước đều thiếu vốn, phần lớn được chủ đầu tư vay từ nước ngoài. Do đó, việc lệ thuộc vào các tổ chức cho vay về nhà thầu hoặc chấp nhận thiết bị hàng hóa cung cấp từ nước ngoài là đương nhiên.

Và Luật Đấu thầu Việt Nam ưu tiên yếu tố giá rẻ, lợi thế này một lần nữa thuộc về các DN nước ngoài. Vì phía DN Việt Nam không thể có mức giá rẻ hơn.
Vì bản thân DN phải tự trang bị cơ sở vật chất, nguồn lực... để nâng cao năng lực thiết kế đối với ngành cơ khí. Khi cơ chế chính sách vẫn chưa có gì cải thiện đáng kể cho cơ khí nội địa.
Đáng buồn hơn là các công trình điện, xi măng của nhiều nhà thầu ngoại thực hiện cũng không đạt chất lượng, thường chậm tiến độ và gặp sự cố kỹ thuật liên miên.

Ông Thụ chia sẻ: “Nếu còn duy trì EPC (tổng thầu) như hiện nay thì giải tán ngành cơ khí đi... Nếu đấu theo Luật Đấu thầu hiện hành thì chúng ta chỉ có thua”.
Thế nhưng, cho dù DN trong nước có thắng thầu thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bởi vì, đơn vị nào đầu tư cũng muốn sử dụng các thiết bị, sản phẩm nhập ngoại. Do đó, đôi khi các DN trong nước sẽ bị “bí đường xoay”. Theo đó, với Luật Đấu thầu hiện tại thì các công trình EPC theo hình thức chìa khóa trao tay đa phần sẽ rơi vào các nhà thầu nước ngoài.

Một chuyên gia về đấu thầu lại cho rằng, trong đấu thầu, yếu tố về giá không đơn thuần ở lúc bỏ thầu mà phải xem xét cả một quá trình. Vấn đề cốt lõi ở đây là sự kiểm chứng, chứng nhận sản phẩm.
Do đó, nếu DN không có đủ hồ sơ chứng nhận về vận hành thành công, cũng như không có chứng nhận thử nghiệm sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế do các tổ chức có uy tín độc lập cấp và chứng nhận thì xem như đã nắm chắc phần thua.

LÊ LOAN