Thói dối trá ...

Phản ứng lạ của nhiều bạn trẻ
TT - Sau khi clip tiêu cực thi cử ở Bắc Giang tung ra, trái ngược với ý kiến cho rằng người quay clip dũng cảm, có tinh thần chống tiêu cực, nhiều HS khác cho rằng người quay clip làm chuyện... dở hơi, ngu dốt.
Quay cóp tại hội đồng thi Đồi Ngô (Bắc Giang) - Ảnh chụp từ clip
“...Thằng ngu này. Giám thị đã thương tình 12 năm ăn học mà thả lỏng cho mày lấy cái bằng tốt nghiệp, lại còn làm cái trò mèo này nữa. 95% năm sau khổ rồi”, một học sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT đã ghi status trên Facebook của mình như thế.

Điều bất ngờ nhất là status này được viết bởi một nam sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên Hà Nội, một ngôi trường danh giá. Sau khi “treo” status trên không lâu, đã có nhiều người vào bình luận đồng tình với nam sinh này.

Các học sinh nói trên dùng những từ hết sức khó nghe để nói về người quay clip: “Thằng nào mà óc chó thế?”, “Lũ Bắc Giang ngu học. Năm sau mình khổ rồi”... Không những thế, nhiều ý kiến cho rằng năm nào cũng xảy ra tiêu cực trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, chuyện chẳng có gì ầm ĩ vì học sinh... không có ai là chưa từng quay cóp cả. Vài ý kiến hiếm hoi phản đối status trên ngay lập tức bị các bạn phản bác.

Một bạn nữ đã bình luận: “Em nghĩ sao nếu chính những người cầm trên tay cái bằng tốt nghiệp ảo đấy lại có thể học một trường ĐH dân lập nào đó (nếu có tiền) hoặc vừa học vừa làm ở một hệ trung cấp, tiến dần lên... Rồi chính những người đó sẽ về làm lãnh đạo của em nếu nhà họ có cơ? Các bạn ấy không chịu học hành thế thì đừng học nữa, tốn cơm bố mẹ. Thất vọng về suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ bây giờ!”. Khi không thể phản bác lại ý kiến trên, các bạn học sinh ủng hộ quay cóp bắt đầu quay sang vặn vẹo bạn nữ trên: “Chị có dám khẳng định là chị chưa bao giờ gian lận không? Thi xong rồi thì muốn phán thế nào cũng được cả. Em tin là thế hệ “già” đến 90% nhờ thế mà tốt nghiệp. Thế nên đừng nói giới trẻ!”. Câu chuyện trên chỉ đi đến hồi kết khi những học sinh này đồng lòng kết luận: “Muốn đổ lỗi thì hãy đổ lỗi cho nền giáo dục Việt Nam”.

Đề văn tốt nghiệp năm nay có câu: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Không biết có bao nhiêu thí sinh cảm thấy hổ thẹn khi vừa lật tài liệu vừa làm câu nghị luận xã hội này? Bao nhiêu giám thị dung túng cho sự gian lận của học sinh sẽ xấu hổ? Thay vì tự hào với những con số báo cáo thành tích, tỉ lệ thi đậu tốt nghiệp, chúng ta nên xấu hổ cho nền giáo dục của mình, khi mà sau 12 năm đèn sách, nhiều học sinh lại mặc nhiên cho rằng gian lận là một kỹ năng sống còn trong thi cử.

HOÀI PHONG
 Báo Tuổi Trẻ