Tai nạn thơ nhớ đời


Nhân có sự cố thơ ở Đồng Nai, tôi lại nhớ vụ tai nạn thơ do tôi gây ra khiến bốn thầy cô giáo ở trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre phải mất việc. Bốn thầy cô đều là sinh viên Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh mới ra trường xung phong đến tỉnh xa hình như được một hai năm, đang rất nhiệt tình sôi nổi bỗng dưng bị kỷ luật nặng nề oan uổng và cay đắng!
Vụ này là vết thương đau của tôi và sự day dứt khôn nguôi của một số đồng nghiệp.
Nguyên do thế này, khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước, tôi là phóng viên báo Giáo viên Nhân dân (nay là báo Giáo dục & Thời đại, Bộ Giáo dục & Đào tạo) tôi viết bài thơ và được báo nhà đăng. Bài thơ dưới đây:

CÔ GIÁO EM GIÀU NHẤT
Nếu tình thương là quý nhất trên đời
Cô giáo em là người giàu có nhất
Cô dành trọn tình thương cho học trò lớp lớp
Bao năm rồi không một chút cạn vơi.

Quý nhất nữa phải chăng là hiểu biết
Cô giáo em là người giàu có nhất
Năm tháng xếp cao giá sách trong nhà
Những chân trời, cô dẫn chúng em qua.

Nếu đời còn quý nhất nữa: niềm tin
Cô giáo em là người giàu có nhất
Cô tin chúng em, dù đứa hư, đứa nghịch
Vẫn là nguồn hy vọng của mai sau.

Cái quý nhất, cô đều giàu có nhất
Cái cần thiết hàng ngày lại thiếu thốn quanh năm
Bữa khoai sáng nhường mẹ già, con nhỏ
Cô lả trên bàn giữa tiết thứ năm.

Dìu cô về nhà, chúng em rửa xoong nấu cháo
Nổi lửa lên rồi, mở thùng gạo: trống trơn
Cả lớp thương cô òa lên khóc
Sự thật nay có ai biết hay không?

Khoảng nửa năm sau khi bài báo in, một hôm có một cô gái trẻ khoảng ngoài 20 đến 35 Lê Thánh Tôn, TP Hồ Chí Minh, cơ quan của Báo Giáo dục & Thời đại các tỉnh phía Nam gặp tôi. Mới thoáng nhìn, tôi biết ngay là cô giáo bởi phong thái khoan thai duyên dáng nói năng chuẩn mực, tự tin. Dáng cô thanh thoát, da trắng, mặt trái xoan, xinh đẹp.
- Em là giáo viên trường cấp 3 Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre, gặp nhà báo phản ánh một việc.
Tôi lắng nghe, ghi chép. Tóm tắt sự việc như sau.

Sắp đến ngày 20 tháng 11, lãnh đạo nhà trường có kế hoạch tổ chức buổi liên hoan văn nghệ. Bốn thầy cô giáo trẻ mới về (hai nam, hai nữ) được phân công tổ chức các tiết mục. Trong số đó có hoạt cảnh ngắn, (một màn hay hai màn tôi không nhớ rõ) lấy bài thơ trên làm nền. Một em gái cao gày chững chạc đóng cô giáo, một số em đóng học sinh, một hay hai em có giọng tốt đọc thơ. Một số câu các em đọc 2,3 lần rất xúc động kết hợp với cảnh diễn sinh động có hồn khiến nhiều người xem không cầm được nước mắt.

Bỗng mấy ngày sau, bốn thầy cô giáo trẻ được mời lên văn phòng bắt kiểm điểm với lý do là tiết mục “Cô giáo em giàu nhất” gây tâm trạng buồn nản, hoang mang, trong khi ta đang cần hun đúc tinh thần phấn khởi, tin tưởng, tự hào; rằng bài thơ ấy, tiết mục ấy có ẩn ý bôi đen chế độ trong khi chế độ ta rất tươi đẹp.
Bốn thầy cô giáo xin phát biểu, với lý do:
- Bài thơ đã đăng ở báo của Bộ Giáo dục, chứ họ không bịa ra. Mà báo của Bộ chắc là không bôi đen chế độ.
- Sự thật lương giáo viên hầu hết là không đủ sống. Muốn cầm cự trong một tháng, họ phải bươn chải bằng nhiều cách.
- Nhiều trường vẫn đang còn nợ lương giáo viên hai ba tháng, có khi hơn.
- Tiết mục ấy từ lúc tập, các em đã rất hào hứng và xúc động, có em khi tập đã rơi nước mắt. Tiết mục diễn xong được nhiều người khen ngợi.
Mấy ngày sau bốn thầy cô nhận được bốn quyết định cho nghỉ việc với lý do: không thành khẩn nhận khuyết điểm, tư tưởng không lành mạnh, không phù hợp công tác ở ngành giáo dục.
Cô lấy tờ quyết định kỷ luật cho tôi xem. Tôi lạnh toát cả người. Rồi cô rút tờ báo Giáo viên Nhân dân, mở trước mặt tôi bài thơ và hỏi:
- Anh có biết tác giả bài thơ này ở đâu không?
Tôi bủn rủn cả người, tự thấy mình như một tội phạm, nói:
- Tác giả bài thơ này, cái gã tội phạm ấy đang ngồi trước mặt cô.
Tôi hứa với cô là Báo sẽ có công văn đến Sở, đến trường kiên quyết đứng về phía bốn thầy cô, khẳng định các thầy cô và các em hoàn toàn trong sáng, động cơ tốt.
Ông Lê Khắc Hoan (hiện đang ở TP HCM) thay mặt lãnh đạo Báo có ngay công văn đến Sở Giáo Dục Bến Tre, trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu khẳng định bài thơ có nội dung tốt, nêu cao tình thần khắc phục khó khăn của nhiều thầy cô dù thiếu thốn đến đâu, vẫn bám trường bám lớp, vì học sinh thân yêu… Tiết mục văn nghệ xây dựng từ bài thơ ấy có mục đích tốt. Đề nghị Quý Sở, Quý trường xóa kỷ luật, để bốn thầy cô giáo trở lại công tác bình thường…
Nhưng tiếc thay, án kỷ luật đó không được thay đổi.
Khoảng mươi năm sau, tình cờ tôi gặp một trong hai cô giáo ấy, cô vẫn rất yêu nghề, là thành viên của một tổ chức nhân đạo nuôi dạy trẻ không gia đình ở quận 8. Tôi hỏi thăm ba thầy cô kia, cô cho biết mỗi người kiếm sống một nơi, nói chung là rất khó khăn vv…
Nhắc lại chuyện cũ mà xót xa. Không biết các bạn bây giờ ở đâu, nghề nghiệp, cuộc sống ra sao? Nếu đọc được bài này, mong các bạn liên lạc với tôi, người dự phần trong cuộc, số điện thoại: 0909 450 871, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về một thời gian truân và ấu trĩ một cách… nực cười. Rất mong!

 
Trích Nguyễn Vũ Tiềm - Web TranNhương