“Triết lý” của ăn vụng làm càn

 “Triết lý” của ăn vụng làm càn lý do tồn tại của nó trong xã hội hiện đại, khi mà sự làm liều làm ẩu làm bất chấp quy luật... do yêu cầu của chiến tranh trở thành đại trà, và được dung túng thậm chí cổ vũ; rồi đến thời làm ăn kinh tế nó lại được đưa lên một tầm cao mới  được phép tung hoành thả cửa, và nếu biết lo liệu, người ta sẽ được cả luật pháp bảo vệ.
Tiền và tiền
     Cáp quang dưới biển bị cắt. Nước tương có chứa chất gây ung thư cũng được bày bán. Hàng hóa xuất ra nước ngoài kém phẩm chất bị trả về. Ăn cắp, cướp giật. Lấn chiếm đất công. Bán hàng giả. Những vụ đua xe náo loạn phố xá.  Những đám học sinh  xử  nhau theo kiểu xã hội đen rồi còn quay video tung lên mạng…
      Những hành động càn rỡ ấy, nối tiếp vào các vụ việc bấy lâu chúng ta vẫn nghe - như phá rừng, lấn biển bừa bãi; ăn cắp nguyên vật liệu trong xây dựng; gọi là cải tạo nhưng thực ra phá hoại môi trường và tàn phá di sản … - khiến cho nhiều người phẫn nộ và bàn cách chữa trị.
     Tôi cũng thấy thế, song trong bụng không khỏi thoáng qua một chút hoài nghi. Nhiều hiện tượng cứ nối tiếp theo kiểu “chém đầu này mọc đầu khác”.  Hình như nó đã ăn vào máu chúng ta rồi. Đã thành cách sống được chấp nhận. Muốn chữa tận gốc, cần đi tìm cỗi rễ của sự việc trong tâm lý xã hội và trong từng con người.
     Nay là lúc trước khi làm chuyện bất lương nhiều người thường tự nhủ cuộc sống là một canh bạc. Được làm vua thua làm giặc. Thoát thì giàu to, thành người đàng hoàng. Không thoát đành chịu. Không có luật pháp, không có lương tâm tự trọng gì hết. Việc gì kiếm ra tiền là có quyền làm.
    Tức là có  cả một “triết lý” đứng đằng sau các hành động nói trên.
    Tuy nhiên, điều đáng nói là ở ta hiện nay, những triết lý nếu có nẩy sinh chỉ xuất hiện dưới dạng một thứ “tập mờ”, một thứ cảm giác mông lung chứ không đề lên thành những luận thuyết chặt chẽ. Và ta lầm tưởng là ta chỉ sống theo bản năng tự nhiên chứ có “triết lý triết luận” gì đâu, nên lại càng dễ bị nó cuốn theo.
     Tôi muốn kết nối những hiện tượng trên với những vấn đề căn bản của đời sống cộng đồng mấy chục năm nay.
     Chỗ ta hay quên — cộng đồng vừa ra khỏi chiến tranh, một cuộc chiến tranh khủng khiếp nó làm sai lạc cả bản chất con người chúng ta đến mức gần bốn chục năm sau vẫn chưa gượng dậy được.
     Còn nhớ hồi ấy, ở miền Bắc, nhu cầu động viên thanh niên đi bộ đội rất cao. Học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường khi cần cũng được gọi đi.
     Để giúp người đi thêm yên lòng, có hẳn một chủ trương là những thanh niên như vậy, dù không học xong cấp III, cũng cho tốt nghiệp.
     Hơn thế nữa, dù trước đó họ có là những thanh niên càn quấy đi nữa thì việc họ chấp nhận ra đi đã xóa sạch tất cả. Họ được coi là những người có hạnh kiểm tốt. Sự có mặt ở chiến trường, sự tuân theo mệnh lệnh đã là cái tiêu chuẩn lớn nhất để đánh giá con người. Họ trở thành những tấm gương để lớp sau học theo.
    Chiến tranh không có chỗ cho sự suy nghĩ phải trái. Nhân danh những mục đích lớn, thì thủ đoạn nào cũng được phép. Được làm vua thua làm giặc, ai trụ lại được trong chiến tranh thành anh hùng, thành người có công tha hồ làm bậy. 
    Sang thời hậu chiến, kinh tế đóng vai trò mặt trận chính. Nhu cầu của đất nước là phát triển sản xuất để thêm nhiều của cải hàng hóa, là xây dựng, là làm hàng xuất khẩu, là hội nhập …
     Trong hoàn cảnh một xã hội rệu rã tan hoang, hàng núi chi phí bầy ra trước mắt, thì tất cả các hoạt động đa dạng thời hậu chiến rút lại là làm sao để có tiền. Lý tưởng nhất là mỗi địa phương mỗi đơn vị mỗi cá nhân làm thêm ra tiền để tự nuôi và nếu nộp cho nhà nước thì càng nhiều càng tốt.
    Khả năng sinh lợi được coi là khả năng lớn nhất mà cấp trên đòi hỏi ở cấp dưới, các cơ quan công quyền đòi hỏi ở người dân. Nó là tư tưởng mà cũng là đạo lý trong thời đại mới.
    Một xu thế suy nghĩ đang thịnh hành, đóng vai một thứ luật miệng, người ta chỉ  cần hiểu ngầm với nhau. Anh có thể đi buôn dù chức năng anh không phải là buôn; anh có thể chạy chọt xin xỏ, anh có thể có những sáng kiến kỳ cục, miễn là anh gây được một thành tựu có tiếng vang trong xã hội …
   Trong chiến tranh, nhân danh chống lại kẻ thù, người ta dành cho mình cái quyền tàn phá cả các đô thị, các di sản, cần bao mạng người cũng hy sinh không cần tính toán; thì trong làm ăn thời nay, để phục vụ cho việc làm giầu (cho cộng đồng thì ít mà cho cá nhân thì nhiều)-- hầm mỏ bị bòn rút đến tàn nhẫn, rừng nguyên sinh bị triệt phá, thế hệ trẻ bị thả nổi để rồi cuốn theo đủ trò trụy lạc mới học mót được của nước ngoài.
      Nói chiến tranh tưởng đã lùi xa mà dư âm còn vang vọng, tinh thần của nó còn chi phối nhiều hành động của con người là vì thế.
      Lúc tỉnh táo, ai cũng rõ trong hoàn cảnh một nước còn nghèo và đạo làm người tối thiểu không cho phép ta sống càn rỡ. Nhưng cuộc sống bế tắc khiến cho người ta thấy tử tế cũng là vô nghĩa, sự phát triển lành mạnh của con người là chuyện hão huyền và tương lai thì quá ư mờ mịt.
    Trong khao khát làm tất cả để tồn tại, nó – cách sống càn rỡ vô lối đó - chỉ cho ta con đường dễ mà đi. Giữa lúc khó khăn, nó mang tới những “chiến công” những “thành tựu” mà xã hội quen nặn ra để tự lừa mình. Với vẻ hào nhoáng bề ngoài, nó ve vuốt nịnh bợ chúng ta. Hơn thế nữa, nó lại gắn liền với quá khứ vinh quang. Giã từ sao nổi? 

Vương Trí Nhàn