... Như các sử cũ từng ghi, một phần các nghề gọi là cổ truyền ở ta thực chất là do một số quan lại người Việt đi sứ mang về. Cách học của các viên quan này thường là theo lối học mót học lỏm, học giấm học giúi, nên không đến nơi đến chốn. Lúc truyền lại, thì dân làm nghề ở ta lại tìm cách bớt xén đi một lần nữa.
Một yếu tố nữa phải tính tới là các ngành sản xuất ở Việt Nam thường rất ít cải tiến. Khi viết về nghề bách công trong Việt Nam phong tục (in lần đầu 1915) Phan Kế Bính bắt đầu bằng câu: “Đường công nghệ của ta thì kém lắm”. Chỉ vài nghề được ông cho là người nước ta chịu khó làm kỹ. Nếu làm tốt “cũng giữ được tiền của trong nước xổng ra nước ngoài”, nhưng số đó rất ít. Có một số nghề “tuy trong nước dùng nhiều nhưng không ai chế ra được kiểu cách mới cho thích mắt và hợp dụng với người ngoại quốc”, nên làm ăn chỉ nhì nhằng. Và ông tiên đoán “lại e trong nước người dùng mãi cũng chán mà bỏ tiền mua của người nước ngoài thì thiệt hại cho của trong nước nhiều lắm”.
Chẳng những đã tổng kết tình trạng sản xuất của người xứ mình suốt thời trung cổ mà bước đầu nhà nghiên cứu văn hóa Phan Kế Bính còn đặt nó trong quan hệ giao thương với nước ngoài để thấy một triển vọng xấu đang chờ đợi.
Khi viết rằng “lại e trong nước người dùng mãi cũng chán mà bỏ tiền mua của người nước ngoài”, Phan Kế Bính đã bắt đầu hé ra một khía cạnh thuộc về tâm lý xã hội của người mình.
Có dịp đọc lại các nhà văn hóa trong quá khứ, chúng tôi thấy Phan Bội Châu nói tâm lý người mình là hay dựa dẫm ngoại bang; Phan Châu Trinh thì bảo mình vừa bài ngoại vừa sùng ngoại; Phạm Quỳnh nhận rằng dân ta không có thì giờ lo đến văn hóa, đành đi vay mượn. Lưu Trọng Lư từng miêu tả cái tình trạng người Việt chưa biết trở thành chính mình: “Tự ta, ta không hề cố gắng và tạo tác ra một cái gì hoàn toàn của ta; ta chỉ muốn hưởng thụ những của sẵn. Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa. Hồi xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây; chưa có một lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả”.
Nhắc lại để thấy bấy nhiêu tâm lý kiểu đó vốn hình thành trong lịch sử đến nay vẫn còn cố kết trong tâm lý người Việt và chi phối cái việc xã hội đang bàn nhiều là chuyện sùng bái hàng ngoại. Ngay cả khi chúng ta lớn tiếng nói với nhau là phải giữ bản sắc, phải có tinh thần tự hào, thì nó vẫn lẩn quất đâu đó để “làm tổ” trong lòng ta, chi phối cách xử lý của mọi người.
Trở lại với mấy đoạn dẫn ở đầu bài viết này, chúng tôi muốn lưu ý thêm, trước khi lan tràn trong dân gian, cái tâm lý sùng hàng ngoại được chính cái nhóm ưu tú và đầy quyền lực trong xã hội Việt Nam là bộ phận quan lại đầu têu, từ họ mà trong dân gian tâm lý này ngày một phát triển.
Các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho biết trong gia sản mỹ thuật Việt Nam có cả một ngành là đồ sứ men lam Huế, do triều đình Huế đặt hàng và thuê người Tàu làm, rồi triều đình sẽ dùng thứ hàng đó để thưởng cho các quan lại và dùng làm tặng phẩm cho các sứ thần nước ngoài.
Còn chuyện hôm nay. Một người bạn tôi đi Nhật về kể là bên ấy họ rất ngạc nhiên về cách mua hàng của người mình. Ví dụ có một cán bộ đi công tác ít ngày mà bỏ ra cả trăm đô la Mỹ để mua một cái chảo rán. Ngay cả người Nhật cũng ít dùng loại này, họ bảo vậy, và cứ thắc mắc mãi. Chỗ trong nhà với nhau thì chúng tôi biết. Người cán bộ kia cần một thứ “của độc“ để hối lộ cấp trên.
Vương Trí Nhàn