Giao thông của những người... tiền sử

Gốc rễ của trật tự và ổn định nằm ở môi trường pháp luật và ý thức chấp hành của người dân. Khi một trong hai thứ này, hoặc cả hai, có vấn đề, nó sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là sự hỗn loạn và vô tổ chức. Giao thông ở nước ta là một ví dụ xác đáng nhất cho nhận định đó.
Giao thông giống như một cơn ác mộng kinh hoàng
Có người than rằng thế hệ người Việt hiện nay tham gia giao thông mà không có văn hóa giao thông. Nhưng thực ra thì chúng ta có đấy chứ. Đáng buồn rằng đó là thứ văn hóa... tiền sử, chấp hành giao thông theo kiểu luật rừng, mạnh ai người ấy đi, thay vì làm theo những quy tắc được Nhà nước và xã hội thiết lập.
Nếu nói giao thông đô thị là bộ mặt của xã hội, thì chúng ta đang có một bộ mặt thật đáng xấu hổ. Ở đâu đó trên thế giới, người ta đánh đập, chém giết lẫn nhau vì miếng ăn, tự do, hay tôn giáo. Còn ở Việt Nam, đó nhiều khi chỉ đơn giản là một va quệt nhẹ trên đường phố.
Cha ông ta đã từng nói "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại". Thế nhưng với người Việt, trong khi những cái đẹp phải mất rất nhiều thời gian để cảm nhận được, thì cái xấu bao giờ cũng hiện hữu sờ sờ ngay trước mắt, ngay trên con đường mặt phố.
Đó là sự thiếu tôn trọng con người: Tay chỉ chực bấm còi ầm ĩ, người thì luôn nhấp nhổm tư thế để luồn lách chen ngang nhau, rồi thì ngay cả những người ăn mặc lịch sự nhất cũng có thể dừng xe ngay giữa lòng đường để cãi vã, chửi bới nhau vì những mâu thuẫn không đâu. Những biến cố đó được tiếp đuôi bởi văn hóa "nhìn ngó, tò mò, và không làm gì cả": Người đi đường sẽ tụ tập rất đông để đứng theo dõi xem chuyện gì xẩy ra, tai nạn hoặc cãi vã nhau, rồi lại...lên xe đi tiếp, chứ không hề có ý định can thiệp.  Những vụ tắc đường chỉ vì các đám đông hiếu kì diễn ra như cơm bữa ở Việt Nam.
Cái xấu tiếp theo là sự thiếu tôn trọng luật pháp, xét trên góc độ chấp hành các quy định về giao thông và cả người thực thi pháp luật. Không quá oan khi nói rằng chưa từng có người Việt Nam nào mà chưa từng vi phạm luật giao thông.
Phân làn đường cho các phương tiện trở thành luật...giấy khi ai cũng làm ngơ mỗi khi đường xá quá đông đúc. Người đi bộ tự cho mình cái quyền băng qua đường ở đâu cũng được, người đi xe đạp, xe máy nghĩ rằng vượt đèn đỏ vài giây hay đi ngược chiều một đoạn thì không có vấn đề gì, còn ô tô thì tư duy chẳng khác gì lái một chiếc xe máy bốn bánh cồng kềnh.
Chỉ đến khi cảnh sát giao thông xuất hiện ở những "điểm nóng" thì trật tự mới được cải thiện thêm đôi chút. Tuy nhiên, rồi thì người ta cũng phát hiện ra rằng cảnh sát giao thông cũng chẳng có ba đầu sáu tay để giám sát hết tất cả, và chỉ cần một thoáng được "lơ là", sẽ có một vài chiếc xe vụt lên phía trước trong tiếng còi bất lực của anh cảnh sát.
Tấn hài kịch thường lên đến cao trào khi người vi phạm giao thông bị những người thi hành pháp luật, ở đây là công an giao thông và cảnh sát cơ động, bắt giữ. Hàng loạt những "phép thần thông" được hô biến ra để hòng tránh bị phạt: Xin xỏ, "gọi điện thoại cho người thân", và thậm chí là cả dọa nạt và hành hung lực lượng chức năng.
Quy tắc và luật lệ, như luật giao thông, là điểm cốt lõi để phân biệt xã hội loài người với một quần thể động vật. Một khi những quy tắc và luật lệ đó bị chối bỏ, chẳng khác nào họ chối bỏ tư cách sống trong một xã hội loài người.

Tuần Vietnamnet