Ám ảnh thân phận con người ở "Kẻ xa lạ"

Kẻ xa lạ - cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Albert Camus kể về bi kịch của một con người không có lối thoát. Cho đến những phút cuối cùng của cuộc đời, người đó vẫn xa lạ với thế giới, với chính bản thân mình.
Chính từ cuốn sách tổng hợp tất cả những chủ đề lớn của triết học hiện sinh như sự phi lý, tính bất khả tri, nỗi cô đơn, cái chết… mà Albert Camus trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX.
Albert Camus 1913 - 1960
Anh chàng Meursault – nhân vật chính của cuốn sách – bắt đầu câu chuyện của mình bằng câu: “Hôm nay mẹ mất. Cũng có thể là hôm qua. Tôi không biết nữa”.

Nhận được tin mẹ mất, Meursault đi dự đám tang, rồi lại tới sở làm, đi chơi với người yêu và giết người tại bãi biển. Chỉ trong khoảng 150 trang và từng ấy sự kiện, Albert Camus đặt ra vấn đề thân phận con người lồng trong hai nét chính: phi lý và bất khả tri.

Với Meursault, cuộc đời là phi lý. Mọi người xung quanh chàng sống vì những điều phi lý: buồn chán, đau khổ, bệnh tật, tuổi già,… Cuộc đời của Meursault cũng là một sự phi lý. Đó là một chuỗi các hoạt động máy móc, thụ động, nhàm tẻ, vô hồn. Meursault không hề quan tâm tới thế giới bên ngoài: các vấn đề tôn giáo, tha nhân, các quy ước xã hội. Vụ giết người của Meursault cũng là một sự kiện phi lý. Meursault thực sự không có lý do nào để giết người.

Sau đám tang của mẹ, Meursault ra biển chơi với người yêu. Dưới ánh nắng chói chang, chàng bước lên phía trước để tránh mặt trời và dẫn tới hành động giết người. Nếu không bước lên phía trước, Meursault sẽ không nhìn thấy tên Ả rập đang cầm dao. Trừ mặt trời, Meursault không thể biết tại sao chàng lại giết người. Tuy nhiên, quan tòa không chấp nhận lý do phi lý đó, dù bản thân đời sống vốn đầy rẫy các sự kiện phi lý.

Nằm trong ngục, Meursault được gặp gỡ với một vị mục sư. Ông ta cố gắng thuyết phục chàng về “sự công bằng của Thượng Đế”, cũng như tin vào kiếp sau. Tuy nhiên, Meursault nổi giận và biết rằng điều đó là phi lý. Sự công bằng là phi lý, cũng như kiếp sau chỉ là một niềm hy vọng.

Phiên tòa xử Meursault cũng là một sự phi lý, dù dựa trên chứng cứ và lí lẽ. Bởi vì Meursault không tin vào Thượng Đế, tòa án đã kết án chàng là “con quỷ vô đạo đức”. Các bằng chứng hiển nhiên như: không khóc trong đám tang mẹ, đi uống café khi đến nhận xác mẹ, đi chơi và xem phim hài sau đám tang… khiến người ta kết luận rằng Meursault “đã chôn mẹ với trái tim của một kẻ giết người”. Như vậy, hành động giết người của Meursault không bị kết án, mà chính thái độ và tư tưởng của Meursault khiến chàng phải chết.

Phiên tòa này trở thành phi lý vì có một hệ thống đã mặc nhiên áp đặt quy chuẩn lên cảm xúc, hành động và tư duy của Meursault. Luật sư, công tố viên, quan tòa… chỉ nhìn thấy điều họ muốn thấy. Đó là một cảm thức phi lý sâu xa. Meursault lên máy chém vì bị phán xét là kẻ không có trái tim.

Trong suốt cuốn tiểu thuyết này, nhân vật Meursault luôn nhắc đi nhắc lại “Tôi không biết”, “Sao cũng được”, “Không có gì hết”… Không biết, không hiểu – bất khả tri – chính là nguyên nhân sâu xa của sự xa lạ giữa người với người, cũng là nguyên nhân của sự cô đơn cùng cực của Meursault: sự xa lạ với chính mình.

Trong phiên tòa, Meursault nghe người ta nói về mình như nói về một kẻ khác. Những quan tòa, thẩm phán, công tố, nhân chứng, luật sư… dựng lên những chân dung lạ lùng và hoàn toàn xa lạ với Meursault. Đó là cả thế giới xa lạ của những người không hiểu biết về nhau, trong đó, Meursault xa lạ với những lập luận của ý thức hệ chính trị, đạo đức, tôn giáo của xã hội.

Sau khi bị kết án, Meursault tự nhủ rằng mọi thứ đều có thể chẳng là gì, và dù sao “cuộc đời không có gì đáng sống… khi mà con người rốt cuộc sẽ phải chết dù việc chết bằng cách nào và bao giờ, điều đó không mấy quan trọng”.

Meursault cho rằng chàng đang được nhận một thứ hạnh phúc quý giá của sự tự ý thức chống lại cái phi lý.

Trong toàn bộ cuốn sách, những câu hoa mỹ hiếm hoi đều được đặt vào miệng các luật sư và công tố viên, với các từ ngữ như “trái tim”, “tâm hồn”, “đạo đức”.

Tất cả câu truyện được kể bằng giọng điệu đều đều, chôn chặt mọi tình cảm, mọi phản ứng. … Đó là thứ văn chương “trung tính”, “một cách viết trắng” như Barthes viết về Albert Camus trong “Không độ của lối viết”, nhưng đó cũng là những thứ văn chương tuyệt đẹp:

"Tôi rũ bỏ lớp mồ hôi và mặt trời. Tôi hiểu rằng tôi đã hủy diệt sự bình yên của ngày, bầu không khí yên lặng phi thường của một bãi biển, nơi mà tôi cảm thấy hạnh phúc. Thế rồi, tôi bắn thêm bốn phát lên một thân xác bất động, đạn ghim vào như thể trượt ra ngoài. Và đó như là bốn tiếng gõ cộc lốc lên cánh cửa của niềm bất hạnh".

"Tiếng rao báo trong bầu không khí đã giảm bớt phần oi bức, những con chim cuối cùng trên công viên, tiếng gọi của những người bán săng-uých, tiếng xe điện rên rỉ nơi những khúc quanh trên cao thành phố, và tiếng lao xao của bầu trời trước khi màn đêm đong đưa trên hải cảng, tất cả những cảnh đó vẽ lại trong tôi một cuộc hành trình của người mù mà tôi biết rất rõ trước khi vào tù.

Phải, đó là khoảng thời gian mà tôi cảm thấy thích thú cách đây đã lâu lắm rồi. Những gì đã chờ đợi tôi lúc đó chính là một giấc ngủ không mộng mị. Thế nhưng có một điều gì đó đã thay đổi bởi vì, cùng với nỗi đợi ngày mai, tôi lại trở về phòng giam. Như thể những nẻo đường quen thuộc vạch trên khoảng trời mùa hạ có thể đưa tới những nhà giam, cũng như tới những giấc ngủ vô tội".

Albert Camus xuất bản cuốn sách này năm 1942 và ngay lập tức đã làm chấn động đời sống văn học. Từ đó cho đến nay, rất nhiều thế hệ độc giả vẫn bị quyến rũ bởi cuộc nổi loạn xúc động của “kẻ xa lạ”, những cảm xúc và băn khoăn về hệ thống giá trị, những khát khao tìm thấy ý nghĩa cuộc đời…

 Trích Bee